Bóng đá và văn hóa

Cách đây hơn 10 năm, nguyên HLV đội tuyển Việt Nam Alfred Riedl đã từng nhận xét: Việt Nam chưa có khái niệm văn hóa bóng đá. Ít nhiều ở thời điểm đó, lời bình của ông Riedl không được quan tâm, bởi ông là người Áo, nơi nổi tiếng về sự thanh lịch, cách nhìn nhận sẽ khác xa với thực tế Việt Nam.

Mới cách đây vài ngày, một đồng nghiệp của chúng tôi vừa có chuyến tham quan tại các sân vận động bóng đá Anh, một lần nữa thừa nhận: Văn hóa bóng đá chính là cái thiếu lớn nhất trong quá trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Anh kể, tại Anh người ta xem sân Wembley như một thánh đường. Người ta dựng tượng các huyền thoại dù đã mất hay còn sống bên ngoài các sân bóng để giới cổ động viên ngưỡng vọng. Người ta tổ chức một trận đấu khoa học nhưng lại lịch thiệp đến mức không có cơ hội để các CĐV gây sự với nhau. Họ đến sân hoàn toàn để thưởng lãm. Anh kết luận: Văn hóa bóng đá không phải xuất phát từ ý thức khán giả mà phải bắt đầu từ tư duy của những người điều hành và cung cách tổ chức.

10 năm kể từ câu nhận xét của Alfred Riedl cho đến sự thừa nhận của một nhà báo đã cho thấy bóng đá Việt Nam quá chậm trong việc đưa bóng đá trở thành một nét văn hóa trong đời sống xã hội.

Đấy là ngọn nguồn của bạo lực sân cỏ. Khi mà cầu thủ vào sân sẵn sàng đánh trọng tài, hủy hoại sự nghiệp của đồng nghiệp, khiêu khích khán giả; khi mà CĐV đến sân chỉ để xả những cơn bực bội mà không hề có tình yêu với bóng đá; khi các nhà điều hành chỉ thực hiện công tác tổ chức một cách sơ sài, chỉ muốn trận đấu kết thúc an toàn… thì lúc đó sân cỏ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro của các vụ bạo lực hoặc những hành vi thiếu văn hóa.

Một hình ảnh có lẽ không nên xuất hiện trên sân cỏ, lại trở thành quen thuộc: Lực lượng công an, cảnh sát có trang bị vũ khí. Thoạt tiên, hình ảnh đó tạo ra sự an toàn nhưng lại ít phù hợp nếu chúng ta nói bóng đá là một trò chơi, mỗi trận đấu là một cuộc biểu diễn, mỗi cuối tuần là thời điểm để giải trí, thư giãn. Tình trạng bạo lực phải ở mức nào khiến các sân bóng phải nhờ cậy đến sự có mặt của lực lượng đặc nhiệm như thế. Mức rủi ro cao thì mới phải xử sự như vậy.

10 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có một thứ duy nhất chẳng thấy các nhà điều hành đề cập: trình độ văn hóa và ý thức nghề nghiệp của cầu thủ. Đến nay, giới lao động đặc thù này chưa có hội hay nghiệp đoàn chính thức dù họ đang được xem là một thành phần lao động có thu nhập cao. Mang tiếng là cầu thủ chuyên nghiệp nhưng sự am hiểu luật lệ, cách hành xử có văn hóa lại thiếu đến mức báo động ở nhiều cầu thủ. Đẳng cấp của họ được đánh giá dựa trên tiền chuyển nhượng chứ không phải mức độ cống hiến. Mối liên hệ giữa họ và những người bỏ tiền mua vé vào sân hoàn toàn không có. Vì thế, yêu cầu họ đá bóng để phục vụ, phô diễn kỹ thuật vì sự đam mê là điều… ảo tưởng.

Bạo lực sân cỏ đang thành khối u chưa có thuốc đặc trị. Những hình thức kỷ luật như chữa cháy tạm thời (đã thế còn chữa thiếu kiên quyết). Phải làm sao để cầu thủ yêu quý nghề, tôn trọng khán giả, thi đấu cống hiến thì bạo lực không có đất diễn.

Như nhận xét của ông Riedl và nhà báo trên, chính việc tạo nên văn hóa trong bóng đá mới thực sự là liều thuốc căn bản nhất để ngăn ngừa và triệt tiêu bạo lực.

T.OANH

Tin cùng chuyên mục