Bóng đá vui vẻ

1. Lượng khán giả đến sân Thống Nhất trong trận giao hữu quốc tế giữa B.Bình Dương và SCG Muangthong United đông đến bất ngờ. Không chỉ nằm ở số lượng mà còn ở sự thích thú của người xem khi ngồi trên khán đài đến tận cuối trận đấu. Có khi, nhiều người quên mất đây chỉ là một trận giao hữu.

Chúng tôi tin rằng, khán giả “chịu khó” như vậy không hẳn vì chuyên môn mà cái chính là bầu không khí của trận đấu. Hãy thử tưởng tượng: Một ngày cuối tuần không nhiều việc để làm, thời tiết lại mát mẻ dễ chịu với thời gian thi đấu thuận lợi, nhiều hoạt động bên lề thú vị, lại được xem cuộc so tài đỉnh cao của các ngôi sao 2 làng cầu, tại sao không đến sân và tại sao phải về sớm.

Trận đấu giao hữu Việt-Thái đã diễn ra hấp dẫn.

Chúng tôi tạm gọi đấy là một “định nghĩa” mới cho bóng đá Việt Nam: bóng đá vui vẻ. Người ta có nhiều cách để đến sân bóng. Thứ nhất đương nhiên là tính chất của trận đấu. Kế đến, đến để xem một cuộc trình diễn bóng đá đẹp hoặc vì đội bóng mà mình yêu thích. Cuối cùng, đơn giản đến sân là để tham gia một sự kiện giải trí, được thư giãn trong một ngày nghỉ. Như vậy, để thu hút khán giả, chí ít mỗi trận đấu phải có 1 yếu tố nói trên.

2. Hôm qua, đấy là một trận đấu vui vẻ, điều vô cùng hiếm đối với bóng đá Việt Nam. Ở sân chơi V-League, kể cả một trận đấu căng thẳng về tính chất cũng chưa chắc được khán giả quan tâm nếu nhưng họ không biết đến, không theo dõi thông tin hàng ngày. Đấy chính là điểm yếu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, ở cái cách tiếp cận và chăm sóc những khán giả.

Các CĐV mãn nhãn trước màn trình diễn của các ngôi sao Việt Nam và Thái Lan.

Để có được một trận giao hữu vui vẻ, hấp dẫn như hôm qua, là cả một quá trình làm việc của một bộ máy không nhỏ và đương nhiên, được hậu thuẫn bởi nguồn ngân sách lớn của nhà tài trợ: Tập đoàn SCG. Chỉ đá 90 phút nhưng hoạt động truyền thông đã được Ban tổ chức - Báo SGGP Thể Thao và Công ty truyền thông CHI, triển khai từ 1 tháng trước trận đấu. Chỉ có 1 trận đấu chính thức nhưng xung quanh là hàng loạt sự kiện nhỏ để người hâm mộ đến sân sớm hơn, ở lại lâu hơn. Nói cách khác, những nhà tổ chức phải tìm mọi cách để giúp người xem thích thú với trận đấu. Điều đó, khó tìm tại V-League.

Nhưng đó là bản chất của bóng đá chuyên nghiệp. Bỏ tiền đầu tư là một chuyện, sử dụng số tiền ấy sao cho hiệu quả, lại là chuyện khác. Ngay thời V-League hưng thịnh, có CLB phải bỏ ra mỗi mùa 100 tỷ đồng nhưng đa số lại đổ vào việc mua sắm cầu thủ mà hoàn toàn không chăm sóc cho người hâm mộ lẫn giới truyền thông, những yếu tố được AFC xếp vào “hàng tiền đạo” trong sơ đồ 4-4-2 của bóng đá chuyên nghiệp ở bất cứ đâu.

3. Trận đấu B.Bình Dương - SCG Muangthong United có thể chỉ là một dịp tình cờ nhưng nó để lại giá trị khá lớn. Nó cho thấy đâu cần đến tầm cỡ Man.City với 1 triệu bảng Anh cũng như dùng đến thương hiệu đội tuyển quốc gia thì mới khiến khán giả quan tâm. Nó cho thấy mỗi CLB tại Việt Nam đều có lượng khán giả của riêng mình, cũng không nhất thiết họ phải chọn lối đá tấn công thì mới được yêu mến. Điều quan trọng nhất của bóng đá chuyên nghiệp đó là hãy làm cho khán giả vui vẻ, để họ ra về sau trận đấu với nhiều cảm xúc, kể cả khi đội nhà không có một kết quả như ý.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục