Những cơn mưa lớn cuối tháng 9 đã không còn là nỗi ám ảnh của người dân tổ 24, phường 28, quận Bình Thạnh nữa. Ông Võ Văn Ngọc, 72 tuổi, ngụ 558/50/3 Bình Quới, phường 28 kể, trước đây, mỗi khi triều cường, nước ngập trắng cả một vùng. Từ ngày bờ bao rạch Cầu Cống bằng cừ tràm được thay thế bởi bờ bao cừ bản nhựa uPVC dài 270 m, cả khu vực hết ngập đồng thời đường sá cũng khang trang, sạch đẹp hơn hẳn.
Phát huy tác dụng
Theo lời ông Ngọc, mặt bờ bao xưa kia bằng đất, hai xe máy gặp nhau còn phải tránh, giờ, cùng với bờ bao cừ bản nhựa, cả một đoạn đường được đổ bê tông, taxi đi lại được. Bờ bao cao ráo, sạch sẽ cũng trở thành điểm hẹn người dân tập thể dục, gặp gỡ trò chuyện.
Khi được nhắc lại về chuyện hiến hơn 400m² đất để làm bờ bao, ông Ngọc nở nụ cười hào sảng: “TP làm bờ bao, người thụ hưởng chính là người dân trong khu vực. Mình nhín một chút đất gọi là góp sức chung tay cùng TP”.
Ông Võ Văn Ngọc (ngụ phường 28, quận Bình Thạnh) bên công trình bờ bao cừ bản nhựa uPVC.
Tương tự, khu phố 3C phường Thạnh Lộc quận 12 từng là một “điểm nóng” về ngập nước mỗi khi triều cường dâng cao hoặc mưa lớn. Sáu tháng trở lại đây, khi công trình bờ bao chống ngập bằng cừ bản nhựa uPVC được khánh thành đưa vào sử dụng, việc ngập úng đã được kiểm soát. Ông Lê Trí Huệ, ngụ tại 99 khu phố 3C Thạnh Lộc, quận 12 cho biết, hàng năm bà con quanh đây luôn phải chịu đựng 2-3 đợt triều cường gây ngập úng khắp nơi, mỗi đợt kéo dài bình quân khoảng 3-4 hôm, nhất là vào thời điểm tháng 8, tháng 9. “Từ nửa năm nay, ở đây đã không còn xảy ra tình trạng ngập nặng nữa. Kể cả trong mùa mưa mà người dân cũng hết ám ảnh nước ngập rồi” - ông Út Huệ cho hay.
Ông Lê Trí Huệ (bìa phải), ngụ tại 99 khu phố 3C Thạnh Lộc, quận 12 bày tỏ sự hài lòng với công trình.
Theo đại diện lãnh đạo UBND quận 12, trong năm 2014, đã có 14 công trình bờ bao cừ nhựa uPVC được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài bờ bao hơn 15km, tổng kinh phí gần 330 tỷ đồng. Đến nay các công trình này đã phát huy tác dụng ngăn triều cường, chống sạt lở, bảo vệ cho hơn 4.720 hộ dân sinh sống và 2.352ha hoa màu. Các công trình không những ngăn triều chống ngập úng cho khu vực, mà còn kết hợp nâng cấp bê tông hóa mặt đường, tạo điều kiện đi lại thuận lợi. Đặc biệt, việc triển khai các công trình đã luôn nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Nhiều hộ gia đình sẵn sàng hiến đất làm bờ bao. Chỉ riêng công trình uPVC rạch Nhà Nuôi (dài hơn 270m; phường Thạnh Xuân) đã có 6 hộ dân hiến đất để xây dựng các công trình.
Góp sức cùng thành phố
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) Chu Tiến Dũng, từ năm 2008, CNS đã tiến hành nghiên cứu đầu tư sản xuất cọc vách nhựa uPVC với công nghệ của châu Âu để ngăn chặn sạt lở, triều cường, vỡ bờ bao, ngập úng. Đây là mô hình chống triều cường, sạt lở, chống ngập úng được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng do có nhiều ưu điểm. Thời gian thi công nhanh. Vật liệu uPVC vừa nhẹ, lại bền vững với môi trường, chịu được phèn mặn, hóa chất, nước biển, nước ô nhiễm. Vật liệu bền chắc đến trên 50 năm. Điều đó giúp các công trình bờ bao uPVC không phải tốn chi phí duy tu, gia cố hàng năm như các phương pháp truyền thống (bờ bao bằng đất đắp cừ tràm, bê tông tường xây). Các công trình luôn đảm bảo có độ mỹ quan cao, góp phần chỉnh trang đô thị. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, CNS đã đầu tư công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất cừ bản nhựa uPVC hiện đại sản xuất từ châu Âu. Với tổng mức đầu tư 288 tỉ đồng, hiện nay, CNS đã sản xuất được cừ nhựa uPVC tại KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM để thay thế cho sản phẩm nhập ngoại.
Phát biểu tại lễ khánh thành đưa vào sử dụng 12 công trình bờ bao phòng chống triều cường, lụt bão bằng nhựa UPVC vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang cho biết trong những năm qua, với sự biến đổi khí hậu, triều cường và nước biển dâng đã ảnh hưởng rất lớn đến TPHCM, nhất là ở những khu vực trũng thấp, vùng ven đô thị. Vì vậy TP quyết định triển khai xây dựng 32 công trình bờ bao phòng chống lụt bão sử dụng cừ nhựa uPVC nhằm ứng phó với tình hình nêu trên và bảo vệ đời sống sinh hoạt, cũng như quá trình sản xuất của người dân.
Theo đó, 32 công trình bờ bao với chiều dài hơn 34km, tổng mức đầu tư gần 876 tỉ đồng đến nay, đã có 28/32 công trình (khoảng 88%) trên địa bàn TP đã tham gia vào việc chống ngập trong mùa mưa năm 2015. “Các công trình đê bao chống ngập sử dụng cừ vách nhựa uPVC được thi công với cao trình thiết kế đỉnh dầm mũ trên cừ nhựa là +2.20m nên hoàn toàn đảm bảo khả năng ngăn triều ở mức 1m68 cho mùa mưa năm 2015” - đại diện CNS khẳng định.
Phương Bảo