Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp họp về vấn đề cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức, cải thiện môi trường kinh doanh. Có thể thấy, hơn lúc nào hết, Chính phủ đang rất quyết tâm cải thiện nền hành chính để bảo đảm hoàn thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia.
Ngay trong phiên họp Chính phủ tháng 3 diễn ra ngày 1-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập đến vấn đề này. Trước đó, ngày 31-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có buổi làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương nhằm kiểm điểm, đánh giá việc triển khai cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH).
Trước đó vài ngày, đích thân Thủ tướng cũng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức. Qua đó, Thủ tướng đã yêu cầu, trong năm 2015 phải tạo được những chuyển biến rõ nét trong cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức. Coi đó là một khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành.
Sau một thời gian nỗ lực, đến nay chúng ta đã giảm số giờ tuân thủ về thuế được gần 370 giờ/năm. Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát để cắt giảm 45,5 giờ, đạt được mục tiêu còn 171 giờ thủ tục về thuế trong năm 2015. Còn về cải cách hành chính trong lĩnh vực BHXH, cơ quan BHXH đang quyết tâm đến cuối năm 2015 sẽ giảm số giờ thực hiện thủ tục BHXH xuống còn 49,5 giờ, bằng mức bình quân của các nước ASEAN 6.
Như vậy có thể thấy, các chỉ tiêu giảm số giờ về thủ tục thuế và BHXH đạt mức bình quân của các nước ASEAN 6 là hoàn toàn thực hiện được mà không gặp phải những cản trở nào. Và như Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, cản trở không phải ở thể chế, luật pháp hay quy định, quy trình mà chính ở quyết tâm của mỗi bộ ngành, mỗi cán bộ, công chức. Với thời đại ngày nay, nếu áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) thì cán bộ, công chức không cần phải tiếp xúc với ai.
Cái đích đến của một Chính phủ điện tử cũng chính là việc tiến tới xóa bỏ sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức. CNTT sẽ thay thế các thủ tục trực tiếp. Và chắc chắn, khi thủ tục được giảm bớt thì “mảnh đất” cho tiêu cực, phiền hà, tham nhũng cũng sẽ khô cằn đi. “Đó thực sự là một cuộc cách mạng dù rằng tự thay đổi mình là khó nhất, không dễ dàng gì”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh chia sẻ.
Cho đến lúc này, tất cả đều đã gặp nhau ở một điểm: giải pháp của các giải pháp để cải cách hành chính lúc này chính là áp dụng CNTT. Đơn cử nếu như ngành thuế thực hiện được việc ứng dụng CNTT để thực hiện nộp thuế qua mạng đối với trên 10 triệu đối tượng nộp thuế sử dụng đất và 20 triệu đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân mỗi năm như yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thì chắc chắn những tiêu cực, phiền hà mà người dân, doanh nghiệp hiện nay đang phải đối mặt sẽ bị hạn chế tối đa. Đồng nghĩa tham nhũng trong lĩnh vực này cũng sẽ không còn đất sống. Và quan trọng hơn, điều đó còn góp phần rất quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - yếu tố sống còn của đất nước trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, sau khi nghe Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ những “địa chỉ” dễ tham nhũng, trong đó đứng đầu là đất đai, sau đó là sử dụng ngân sách, thu ngân sách (thuế, hải quan) với nhiều tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, mất mát, chia chác. Chi ngân sách qua hoạt động mua sắm, đầu tư công cũng gây nhức nhối vì tham nhũng. Để ngăn chặn tham nhũng trong các lĩnh vực trên, Thủ tướng cho rằng nếu chính sách rõ ràng, các quy định được thực hiện công khai, minh bạch thì tham nhũng sẽ giảm. Trong đó, nếu đẩy mạnh thu ngân sách, thu thuế qua mạng, chắc chắn sẽ phòng chống được tham nhũng.
Tương tự trong các dự án, công trình, sau khi đấu thầu lại điều chỉnh tăng giá tới 5 - 7 lần thì tất yếu sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng. Vì vậy sau khi đấu thầu phải giữ nguyên giá theo đúng thông lệ quốc tế thì sẽ “bịt” được kẽ hở để chạy điều chỉnh giá. Ban hành thêm bao nhiêu thủ tục là có thêm bấy nhiêu “nguy cơ nhũng nhiễu, phong bì”. Chính vì vậy, bớt được một thủ tục không cần thiết là giảm thêm một nguy cơ tham nhũng.
Cải cách TTHC không chỉ giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường mà còn tăng lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh của đất nước, nhất là lòng tin đối với bộ máy nhà nước. Đặc biệt, cải cách hành chính sẽ giúp phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn. Nhận thức này đã rất thông suốt và vấn đề còn lại là quyết tâm tổ chức triển khai thực hiện. Phải kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy hoặc bố trí công việc khác đối với những người yếu kém về phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực không còn phù hợp. Đặc biệt, mỗi bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phải đề cao trách nhiệm của mình trước yêu cầu cải cách đang được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.
LÂM NGUYÊN