Bữa ăn đời thợ

Bữa ăn đời thợ

Anh Trung, 36 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, sáng ăn ổ bánh mì  hay gói xôi; trưa ăn dĩa cơm bình dân 5.000 – 6.000 đồng; tối ăn cơm với rau, hiếm khi có cá, thịt. Sau đó anh đi nghỉ  nhằm tìm sự hồi phục cho cơ thể sau 8-9 tiếng đồng hồ quần quật bên dây chuyền máy.

Bữa ăn đời thợ ảnh 1
Cần những bữa ăn đủ dinh dưỡng để có sức khỏe tốt

Còn anh Hải thì làm phụ hồ với đủ các việc: sàng cát, trộn hồ, xúc bê-tông; chuyển gạch, vữa, nặng đến lệch cả vai. Khối lượng cát, xi măng, đá được anh nâng lên hạ xuống trong cả tuần lên đến hàng tấn, nhưng bữa ăn của Hải cũng hết sức đạm bạc. Với đồng lương vài chục ngàn một ngày, anh phải ăn uống dè sẻn, để vừa có tiền thuê chỗ trọ, vừa dành dụm gửi về quê nuôi con…

Còn với Lan, tại khu chế xuất nơi cô làm việc, ngoài việc may mắn có suất cơm công nghiệp cho bữa trưa tương đối đủ lượng và chất, còn lại 2 bữa sáng và tối công nhân phải tự lo. Lan hay tranh thủ đi chợ cho các bữa tối cả tuần, nhưng sáng lại thường… nhịn- trong khi  đây lại là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Thường, Lan chỉ vội lót lòng tô mì gói, hoặc miếng xôi, củ khoai… cho cả buổi làm việc. Hậu quả là sức khỏe của Lan ngày càng giảm….

Người thợ lao động nặng nhọc,  nhưng bữa ăn thường thiếu thốn. Lẽ ra nhu cầu năng lượng phải tương ứng 2.800 – 3.200 kcal, nhưng phần ăn của họ chỉ đạt khoảng 2.000 kcal (mà chủ yếu lại toàn là tinh bột - cơm, khoai, bánh mì…), thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết như chất đạm và chất béo. Vậy làm cách nào để bữa ăn của những người lao động tay chân nặng nhọc được tăng năng lượng với sự cân đối các chất đạm và béo nhưng lại... ít tốn tiền?

- Để tăng chất đạm, nên ăn thêm các loại đậu đỗ: đậu hũ (đậu phụ). Đậu hũ chiên thì giàu năng lượng hơn đậu hũ luộc vì có thêm chất béo từ dầu chiên. Các loại đậu khác cũng giàu đạm như đậu phộng rang, đậu phộng nấu; các loại chè: đậu xanh, đậu đen, mè đen; ly sữa bột, sữa tươi hoặc sữa đậu nành... Một số loại cá rất rẻ tiền như cá cơm- vừa giàu đạm lại rất giàu canxi.

- Để tăng chất béo, khi đi làm nên mang theo một hộp muối mè hoặc muối đậu phộng (nhưng thật ít muối, nhiều mè, nhiều đậu). Đến bữa cơm, nếu thêm 1-2 muỗng súp mè hoặc đậu phộng sẽ làm tăng đáng kể năng lượng từ bữa ăn. Nhiều quán cơm bình dân sẵn sàng cho bạn thêm cơm với giá rẻ, mỗi chén cơm thêm cho bạn 200 kcal.

- Để có đủ vitamin,  cần ăn thêm trái cây. Rẻ tiền nhất và luôn có quanh năm vẫn là chuối, đu đủ. Những loại trái cây khác thì “mùa nào thức ấy” bạn sẽ ăn được nhiều loại trái cây ngon và rẻ (như chôm chôm có nhiều vào mùa mưa). Trái cây giàu vitamin C và rẻ tiền như: sơ-ri, ổi… nên ăn thêm sau bữa ăn chính để giúp hấp thu tốt chất sắt có trong bữa ăn- là chất cần thiết để tạo máu. Chất này có nhiều trong huyết (như  món huyết xào giá hẹ), gan, thịt, cá, đậu đỗ, rau xanh. Thiếu máu sẽ làm giảm năng suất, kém tập trung, hay chóng mặt... dễ dẫn đến tai nạn lao động.

- Ngoài 3 bữa ăn chính, giữa giờ làm việc nên ăn thêm những bữa phụ như: khoai lang, khoai mì, bắp, đậu phộng luộc, chè đậu. Khoai mì chấm với muối mè hoặc muối đậu phộng cũng là một món ăn ngon miệng.

Nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày đối với người có tiền và thời gian thật dễ, nhưng với người thợ đầu tắt mặt tối cả ngày thật khó. Gần đây, có một cách đơn giản và tiện lợi từ một nhà sản xuất sữa bột khá nổi tiếng của Việt Nam- Nutifood, với giải pháp gói nhỏ Nuti 20g, tiện dụng để pha 1 ly và giá chỉ  2.000 đ, nhưng vẫn đảm bảo đủ lượng cần thiết. Một, hai ly sữa loại này có thể cung cấp đủ nhu cầu vi chất một ngày, mang đến cho giới lao động, công nhân cơ hội sử dụng nguồn dinh dưỡng tối ưu, để “nâng niu cuộc sống mỗi ngày”.

Như vậy, đâu cần phải thịt cá thường xuyên thì mới bổ dưỡng. Những thức ăn kể trên có thể chuẩn bị sẵn để mang theo khi đi làm, vừa rẻ tiền lại bổ dưỡng không kém.

BS. Trần Đức

Tin cùng chuyên mục