
Lau vội những giọt nước mắt và tránh cái nhìn của người đối diện, anh Nam – thân nhân của một bệnh nhân ung thư đang nằm tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, nói: “Nói thiệt với chú, 3 tháng nay, nếu không có những bữa cơm từ thiện chắc tôi đã chết đói rồi”. Ở một thành phố sôi động như TPHCM vẫn có nhiều tấm lòng âm thầm làm từ thiện bằng những bữa cơm thấm đẫm tình người.
Một miếng khi đói…

Nhiều người nghèo đến ăn cơm miễn phí Ảnh: T.S.
Anh Nam là chồng của chị Huệ – người bị ung thư gan đang điều trị nằm tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã gần một năm nay. Anh chị ở Mộc Hóa (Long An), làm nông, cuộc sống nghèo khó lại bị bệnh nan y.
Ngôi nhà và mảnh vườn cha mẹ cho ra riêng anh đã bán để lấy tiền mua thuốc men chạy chữa cho chị. Hai đứa con nhỏ phải về ở nhờ nhà ông bà nội. Gần 2 tháng nay anh hết sạch tiền, nợ nần thì chồng chất.
Chị nằm viện, anh theo nuôi. Nhờ những bữa cơm từ thiện mà anh sống qua ngày để gắng nuôi chị, với cầu mong chị chóng hết bệnh. Không riêng gì anh Nam, rất nhiều thân nhân nuôi bệnh và cả bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM sống nhờ cơm từ thiện. Những bữa cơm từ thiện là cứu cánh quý giá để họ sống qua ngày, “một miếng khi đói bằng gói khi no”.
Còn dưới chân cầu Lê Văn Sỹ có một quán cơm trương bảng hiệu hẳn hoi: “Thiện Tâm, cơm chay miễn phí”. Theo vợ chồng chú Nghinh - cô Thêm, chủ nhà mượn mặt bằng làm quán cơm Thiện Tâm, cho biết, mỗi ngày ở đây có khoảng 300 người đến ăn cơm chay miễn phí. Người đến quán cơm này là từ anh xe ôm, sinh viên đến người già neo đơn, tật nguyền mất sức lao động...
Chị Lê Thị Thắm quê ở ngoài Bắc vào, bán đồ ráy tai, cứ đúng giờ chị tới đây ăn cơm. Chị tâm sự: “Từ khi có quán cơm đỡ lắm, khỏi phải tốn tiền. Mỗi tháng tiết kiệm tiền cơm cũng được tiền 200.000đ. Số tiền khá lớn ở quê”. Buổi trưa tôi đến, thấy người bán vé số dạo đến ăn cơm đông nhất, hơn 50 người.
Khi bài viết này, tôi được nhiều người mách rằng hãy đến trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy tầm 11g trưa và 4g chiều sẽ có người chở cơm đến phát miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh. Tôi tới lúc 10g sáng, bất ngờ thấy đã có hàng chục người ngồi chờ cơm đến.
Chị Quả (quê ở tận Tiểu Cần, Trà Vinh, nuôi chồng bị suy thận nặng đang nằm viện) đang chờ cơm từ thiện, cho biết: “Không biết người cho cơm đó ở đâu nhưng cứ đúng giờ thì chở lại, phân phát cho mọi người. Tuy là cơm chay nhưng ngon, đổi món liên tục”.
Tôi đang nói chuyện với chị Quả thì thấy một người phụ nữ cưỡi xe Honda trờ tới. Đằng sau xe là một giỏ cần xé nhựa lớn, phía trước thêm một bao đựng cơm. Mọi người ào đến, người phụ nữ ấy bắt đầu phát cơm. Cứ một người có bịch cơm thì kèm theo bịch thức ăn. Trong vòng 15 phút, có khoảng hơn 100 phần cơm được phát miễn phí.
Những tấm lòng
Chị phát cơm từ thiện trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy nói: “Đây là chuyện bình thường, có gì đâu mà lên báo. Nếu anh muốn viết gì cứ đến Chi hội từ thiện Bảo Hòa, ở đó có nhiều người hay lắm!”. Nói xong, chị nổ máy xe chạy mất hút.
Tìm hiểu được biết, Chi hội từ thiện Bảo Hòa nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng – nơi tập trung rất nhiều người đến cùng góp công, góp của để nấu cơm từ thiện cung cấp miễn phí cho nhiều nơi. Có người đã làm công việc này đã 10 năm nay nhưng “làm từ thiện, làm bằng cái tâm, kể lể làm gì”.
Ở TPHCM có nhiều nhóm thiện nguyện, chuyên đứng ra nấu cơm từ thiện cung cấp suất ăn cho người nghèo, người bệnh. Có nhóm 5 – 7 người, có nhóm hơn chục người. Như ở chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), chợ An Đông (Q.5), chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh)… có nhiều tiểu thương ngoài việc buôn bán còn tập hợp một nhóm người chuyên đi quyên góp và nấu những bữa ăn đem đến các bệnh viện, những nhóm mồ côi.
Không ít Việt kiều sau bao năm xa quê, giờ về nước muốn làm từ thiện đã cùng gia đình, bạn bè góp tiền mua gạo, mì gói, thịt… đem đến tặng các bếp ăn từ thiện. Hội Chữ thập đỏ quận Bình Thạnh có đội từ thiện lên đến 30 người tham gia nấu cơm từ thiện. Họ vận động các nhà hảo tâm, những mạnh thường quân đóng góp để có kinh phí mua thực phẩm.
Họ phải cùng nhau thức dậy từ 3g sáng, người nấu cơm, người làm thức ăn… rồi thuê xe chở đến bệnh viện phân phát. Phần cơm của họ cũng ngon, ngoài cơm trắng thường có món mặn như thịt kho, khi thì trứng, lúc thì đậu hủ dồn thịt, canh khổ qua, canh chua…
Điều bất ngờ: Có một số nhà hàng tình nguyện nấu những bữa cơm từ thiện đem đến nhiều nơi phát miễn phí cho người bệnh, người già neo đơn, những em trong mái ấm tình thương…
Như Làng du lịch Bình Quới mỗi tuần đều có khoảng 10 người thay phiên nhau đến nấu cơm từ thiện tại Bệnh viện Ung bướu, hoặc nấu tại khu du lịch rồi chuyển đi phát, mỗi lần vài trăm suất ăn. Để có kinh phí nấu ăn từ thiện, mỗi tháng cán bộ công nhân viên trích một ngày tiền công vào quỹ từ thiện.
Trong câu chuyện của những người làm từ thiện, có người rất bận bịu, người không có tiền nhưng vẫn muốn góp sức mình, bỏ ra một ngày để phụ nấu cơm từ thiện và xem đó là niềm hạnh phúc, niềm vui của mình.
TẤN THIÊN