Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung lâu nay vẫn thường rơi vào cảnh “tới mùa rớt giá”. Điển hình như thanh long mùa nghịch giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, nay vào mùa thuận giá sụt chỉ còn vài ngàn đồng/kg, đổ đống đầy đường - vậy mà vẫn ít người mua. Cá tra ở ĐBSCL hồi quý 2-2016 bỗng nhiên tăng vọt lên 22.000 - 23.000 đồng/kg, không đủ cá để bán sang thị trường Trung Quốc. Giá tăng, thế là nhiều người ùn ùn nhảy vào nuôi và nay cá sụt thê thảm bởi thị trường đã “quay đầu”, cuối cùng người nuôi lãnh đủ. Nhiều sản phẩm khác như lúa gạo, tôm, rau màu… cũng luôn gặp tình trạng như vậy.
Điều khiến nông dân đau đáu là mỗi khi sản phẩm nông nghiệp rớt giá, khó tiêu thụ thì các ngành chức năng thường “đổ” cho nông dân “sản xuất theo phong trào, không theo quy hoạch…”. Nông dân thở dài than rằng, tối ngày họ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, lo chăm sóc, lo dịch bệnh… đã muốn đứt hơi thì còn thời gian đâu mà tìm hiểu thị trường cần gì. Dù thương cho bà con nông dân cơ cực, nhưng cần thấy rằng đây là cách làm theo kiểu cũ “sản xuất những gì mình có”, trong khi thời buổi cạnh tranh khốc liệt hiện nay là phải “sản xuất những cái thị trường cần”. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, trong thời kỳ cạnh tranh thì nông dân cá thể sẽ gặp muôn vàn khó khăn và sẽ khó tồn tại.
Vì vậy để sản xuất theo nhu cầu thị trường nên liên kết nông dân với nhau để thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất… Từ đó, chúng ta hình thành những “nông dân kiểu mới”. Nông dân kiểu mới sẽ không tự do sản xuất theo ý của riêng mình, hay làm theo kinh nghiệm, mà phải sản xuất triệt để tuân thủ quy trình GAP, theo nhu cầu và thời điểm thị trường cần.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhìn nhận: “Muốn tái cơ cấu nông nghiệp thành công thì sản xuất phải gắn nhu cầu thị trường, mà người nắm rõ thị trường nhất chính là các doanh nghiệp. Vì vậy, trong quá trình chuyển đổi sản xuất, trồng cây gì, nuôi còn gì, chất lượng ra sao, bán ở đâu, thời điểm nào, giá bao nhiêu… cần có doanh nghiệp tham gia. Hiện Đồng Tháp tái cơ cấu nông nghiệp với 5 ngành hàng chủ lực là cá tra, lúa gạo, hoa kiểng, xoài và vịt, bước đầu đem lại kết quả khích lệ khi nông dân thu nhập được nâng lên, đầu ra sản phẩm dễ dàng… cũng nhờ phát huy tối đa vai trò doanh nghiệp và hợp tác xã”.
Trong chuyến công tác ở các tỉnh, thành ĐBSCL gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm và tìm hiểu một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường. Thủ tướng đánh giá cao thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp, với mục tiêu là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững, trên cơ sở đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh “hợp tác - liên kết - thị trường”; đặc biệt liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Yêu cầu bức thiết hiện nay là xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các ngành hàng; phát triển nghề trồng hoa kiểng gắn với du lịch; sản xuất hướng đến xuất khẩu với khối lượng ổn định... Vì vậy cần đổi mới tư duy trong lãnh đạo, điều hành. Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu nhân rộng cách làm của Đồng Tháp đối với những địa phương có điều kiện tương tự.
Cũng trong chuyến công tác này, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ không còn phù hợp trong kinh tế thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu… Vì vậy các địa phương phải nhanh chóng thay đổi sản xuất nông nghiệp để thích ứng. Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu để tăng giá trị, thu nhập cho nông dân; đồng thời tạo ra những sản phẩm đặc thù, mang tính cạnh tranh, cung ứng những sản phẩm nông nghiệp thị trường cần…
HUỲNH LỢI