Biệt thự ở Đà Lạt

Bức tranh loang lổ

Bức tranh loang lổ

Là thành phố đầu tiên của Việt Nam được quy hoạch là đô thị nghỉ dưỡng, Đà Lạt từ lâu đã được giới kiến trúc công nhận là đô thị di sản với kiến trúc cổ châu Âu thế kỷ XIX. Vậy mà thời gian qua, nhiều di sản kiến trúc biệt thự (BT) đã bị buông lỏng quản lý.

  • Biệt thự thành... hang
Bức tranh loang lổ ảnh 1

Những ai đã từng đến thành phố du lịch Đà Lạt hàng chục năm về trước đều không khỏi trầm trồ trước những đóa hoa kiến trúc BT nằm ẩn mình dưới tán rừng thông. Có thể kể ra vài con đường tiêu biểu như: Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Nguyễn Du, Phó Đức Chính, Phan Chu Trinh… được xem là một nửa hồn đô thị Đà Lạt với hàng trăm BT Tây xinh xắn nằm dọc 2 bên đường.

Trong số đó, có khá nhiều BT cổ, được xây dựng trong thời kỳ đầu kiến thiết Đà Lạt. Thế nhưng, chỉ trong vòng vài năm – khi Đà Lạt bắt đầu công cuộc chỉnh trang chuẩn bị cho kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển - thì nhiều BT giá trị, đẹp lộng lẫy bỗng dưng bị “mất giá” thảm hại bởi cách nâng cấp đường sá theo kiểu “mì ăn liền” của chính quyền địa phương.

Chỉ sau 2 lần nâng cấp, mở rộng (từ 2 chiều thành 1 chiều), mặt đường mới tuyến 3-4, 3-2, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Viết Xuân hay Huỳnh Thúc Kháng đã cao hơn mặt đường cũ gần 1m và nhiều BT bị biến thành những cái… hang. Có thể kể ra một loạt BT là “nạn nhân” của tình trạng này: BT-KS Savimex, trụ sở Hội Cựu chiến binh LĐ, BT số 5 (đường 3-4); các BT số 8,10, 12, 14 đường Huỳnh Thúc Kháng, BT của Nhà máy Đèn Đà Lạt cũ, khách sạn Duy Tân  (đường 3-2)…

Ông Trịnh Khiết (ở số 6 đường 3-4) cho biết, sân nền nhà ông đã bị thấp hơn mặt đường khoảng 80cm, ngày trước taluy chỉ cần 2 hàng đá đã cao hơn mặt đường, giờ phải xây thêm 5 hàng nữa vẫn chưa “thấm tháp” gì so với mặt đường hiện hữu. Với chủ nhân nhiều BT trên đường 3-4 (hiện đang chuyển qua làm nhà nghỉ), tình trạng “biệt thự… hang” còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh vì xe ô tô ra vào, xoay trở rất khó khăn bởi dốc cao, chật hẹp. 

Không chỉ làm méo mó cảnh quan kiến trúc, việc thiết kế nâng cấp đường sá không phù hợp đã làm giảm giá trị của các ngôi BT. Ngoài ra, tiếng ồn tăng quá mức đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe mà trực tiếp là giấc ngủ của người dân và du khách. Không ít khách du lịch đã than phiền Đà Lạt ngày càng nóng và ồn ào hơn trước.

  • “Xà xẻo” biệt thự

Không chỉ bị biến thành… hang, các khu BT còn đối mặt với tình trạng bị “xà xẻo”, nhất là các BT

Bức tranh loang lổ ảnh 2

 loại 1 trên đường Trần Hưng Đạo. Vì tự cơi nới, xâm lấn mà giờ đây đã có 1 khu nhà “mọc lên” ngay sau các BT chính và người ta đã làm hẳn con đường mới để… “hợp thức hóa”. Trong đó, có không ít nhà đã được cấp giấy chứng nhận cho cán bộ hưu trí và đương chức. Trên đường Nguyễn Viết Xuân, giữa BT số 10 và 12 là dãy nhà mới xây, vốn là nhà bố trí cho CBCNV ở. Sau đó, những người này đã tự cơi nới và… hợp thức hóa.

Giờ đây, diện tích của BT số 12 chỉ còn 650m2, bị “xẻo” mất gần một nửa… Còn trên đường 3-4, ngay cửa ngõ ra vào thành phố cũng không ngoại lệ. BT số 7 đường 3-4 trước đây được bố trí cho ông Nguyễn Trung Tín (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng), gồm nhà chính và 1 nhà công vụ. Thế nhưng, sau khi ông Tín được điều chuyển công tác về Bình Định, thì 1 cán bộ văn phòng UB đã “xí phần” hợp thức hóa nhà 7B, sau đó thì “sang tay” và thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Không thể không nhắc tới khu BT Hỏa xa cũ với 14 BT tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, cao ráo gần ga Đà Lạt với một không gian riêng biệt rất lý tưởng. Kiến trúc của khu BT này được xếp loại cần bảo tồn nghiêm ngặt nhưng hiện cũng bị tình trạng “cát cứ”, lấn chiếm và đang xuống cấp nghiêm trọng.

Trong một hội nghị bàn về kiến trúc đô thị Đà Lạt tổ chức cách đây chưa lâu với sự có mặt của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các nhà nghiên cứu kiến trúc đã chỉ ra những khiếm khuyết, sai lầm trong công tác quản lý BT Đà Lạt. Theo nhà nghiên cứu Lê Phỉ, sau ngày đất nước thống nhất, do những tác động cơ học, người dân chen nhau ở khu trung tâm nên xảy ra tình trạng khai phá, sang nhượng tràn lan. Họ xây dựng tự phát, tự vẽ ra nhiều kiểu đã khiến bức tranh kiến trúc Đà Lạt vốn hài hòa, đẹp đẽ trở nên loang lổ.

Văn Phong

Tin cùng chuyên mục