Còn mấy ngày nữa mới hết năm 2011, nhưng số liệu ban đầu ở Cục Hải quan TPHCM cho thấy năm nay các hành vi gian lận qua cửa khẩu hải quan tăng đột biến. Trong năm 2011, Hải quan TPHCM đã lập biên bản vi phạm trên 6.000 vụ, tăng 93% so với năm 2010.
Hơn 800 vụ nhập lậu chất gây nghiện
Đáng lo nhất, trong 6.000 vụ nêu trên có tới hơn 800 vụ nhập lậu tân dược có chất gây nghiện, ma túy tổng hợp. Các hành vi nhập lậu ngày càng trắng trợn. Ngày 18-7-2011, ngay tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, kiểm tra đối tượng tên Trần Hạ Tiên quốc tịch Việt Nam nhập cảnh trên chuyến bay QR 688 từ Doha về TPHCM, lực lượng hải quan đã phát hiện đối tượng vận chuyển trái phép khoảng 4,1kg chất ma túy.
Ngày 29-10-2011 cũng tại cửa khẩu Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong quá trình làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách, lực lượng hải quan đã phát hiện đối tượng tên Preyanooch Phuttharaksa (nữ) quốc tịch Thái Lan giấu 3,1kg ma túy tổng hợp trong valy hai đáy… Theo lãnh đạo Hải quan TPHCM, nhập lậu các chất gây nghiện không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an ninh xã hội. Việc mang một số lượng ma túy lớn như thế qua cửa khẩu hải quan sân bay cho thấy bọn tội phạm ngày càng táo tợn, liều lĩnh.
Tình trạng nhập khẩu hàng hóa dưới hình thức phi mậu dịch cũng có nhiều yếu tố đáng lo ngại. Trong khi Thông báo số 197 của Bộ Công thương yêu cầu tăng các điều kiện, thủ tục đối với việc nhập khẩu chính thức các mặt hàng xa xỉ phẩm như rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động nhằm hạn chế nhập siêu. Không ít doanh nghiệp đã lợi dụng quy định nhập khẩu hàng hóa phi mậu dịch không giới hạn về số lượng lô hàng, để né Thông báo 197, nhập khẩu theo dạng phi mậu dịch những mặt hàng này.
Trong 6.000 vụ được Hải quan TPHCM phát hiện trong năm 2011, lực lượng hải quan đã phạt cảnh cáo trên 400 vụ, phạt tiền trên 3.000 vụ, tịch thu hàng hóa của hơn 2.000 vụ với tổng trị giá trên 300 tỷ đồng.
Nhiều thủ đoạn mới
Theo Hải quan TPHCM, bên cạnh những hành vi qua mặt cũ như không khai hoặc khai sai về số lượng, chất lượng, chủng loại, ký mã hiệu hàng hóa; khai báo hàng thuộc diện khuyến khích xuất khẩu nhưng thực chất là hàng hóa xuất khẩu có điều kiện hoặc cấm xuất khẩu… các đối tượng buôn lậu còn dùng rất nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng này.
Lợi dụng hình thức thủ tục hải quan điện tử, các đối tượng buôn lậu đã giả mạo chứng từ hồ sơ hải quan bao gồm tờ khai hải quan, hợp đồng, giấy phép chuyên ngành, con dấu, chữ ký công chức hải quan… bằng cách chỉnh sửa (theo hình thức scan) các nội dung này trong quá trình chuyển đổi chứng từ, từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử. Các đối tượng buôn lậu còn dùng thủ đoạn đưa hàng về tới cửa khẩu nhưng chưa làm thủ tục hải quan để… tìm “cơ hội”. Nếu “lỡ” bị ngành chức năng phát hiện, các đối tượng lập tức từ chối không nhận hàng và đề nghị cho tái xuất. Một số cá nhân còn lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp. Sau đó chúng lợi dụng thời gian “được” chậm nộp thuế, liên tiếp mở các tờ khai tại một hoặc nhiều nơi khác nhau để nhập ồ ạt một lượng hàng hóa lớn qua các cửa khẩu. Các đối tượng này chỉ hoạt động trong một thời gian hoặc làm xong vài vụ rồi bỏ trốn trước khi phải nộp thuế. Hậu quả là Nhà nước thất thu một khoản thuế rất lớn.
Hải quan TPHCM cho biết, một trong những giải pháp để ứng phó với các thủ đoạn gian lận là công khai rộng rãi tên, thủ đoạn gian lận của các doanh nghiệp làm giả hồ sơ để các đơn vị liên quan có biện pháp phòng chống một cách hiệu quả; kiểm tra, đối chiếu kỹ các chứng từ, hồ sơ hải quan điện tử in với thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử… Tuy nhiên, do địa bàn hoạt động rộng lớn, bao gồm khu vực cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, bưu điện, các cảng biển, các khu chế xuất… cơ số chống buôn lậu có hạn, trang thiết bị như máy soi, camera giám sát… tuy đã được nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc nên để làm tốt hơn nữa công tác chống buôn lậu luôn là thách thức của ngành hải quan.
Nguyễn Khoa