Bụt bên mây trắng, sương giăng

Trên cao nguyên Quy Đạt (Minh Hóa, Quảng Bình), có một tộc người siêng năng với lao động, hào phóng với láng giềng, vui tươi với lễ hội. Ấy là người Nguồn. Tin vào cái thiện từ các câu chuyện cổ tích, họ chọn nhân vật hiền từ là Bụt (người Nguồn gọi là Pụt) để thờ như một vị thần linh thiêng chở che bản làng.
Bụt bên mây trắng, sương giăng

Trên cao nguyên Quy Đạt (Minh Hóa, Quảng Bình), có một tộc người siêng năng với lao động, hào phóng với láng giềng, vui tươi với lễ hội. Ấy là người Nguồn. Tin vào cái thiện từ các câu chuyện cổ tích, họ chọn nhân vật hiền từ là Bụt (người Nguồn gọi là Pụt) để thờ như một vị thần linh thiêng chở che bản làng.

  • Nơi duy nhất thờ Bụt

Người Nguồn ở Minh Hóa có hơn 3 vạn nhân khẩu, sống quần tụ dưới những rặng núi đá vôi hùng vĩ. Cuộc sống của họ gắn chặt với văn hóa cao nguyên rộng lớn giữa lưng chừng trời. Con trai vạm vỡ, con gái duyên dáng, nước da trắng ngần. Gia tài văn hóa phong phú, thâm sâu, nên người Nguồn luôn được các tộc người khác trọng vọng, kính nể.

Người trong vùng đi hội rằm tháng ba cũng để nguyện cầu với Bụt bao điều mong muốn.

Người trong vùng đi hội rằm tháng ba cũng để nguyện cầu với Bụt bao điều mong muốn.

Lên Quy Đạt, nghe những người thông thái nhất vùng kể, từ thuở hồng hoang của vùng cao nguyên xa ngái, hai anh em ông Ngoi vào núi hái củi, hai người đi mãi trong một ngày bảng lảng sương giăng, lạc vào chốn tiên cảnh trong một hang núi hiện đầy các hình thù lỳ lạ. Những tượng đá trong động có nhiều vẻ khác nhau, từ mắt trợn, mày dữ, đến những tượng đá nhỏ bé, nhưng vốn dĩ có suy tư hiền lành, họ chỉ chọn hai tượng đá bầu bĩnh, nhìn vào đó, thấy cả một mây trời minh triết của hiền từ, nương tựa, chở che.

Hai anh em ông Ngoi gọi đấy là Pụt (Bụt) và cẩn trọng đưa hai hình tượng về nhà. Đi qua thác đẹp, cảnh trí quyến luyến, họ dừng chân. Trong giấc ngủ miên man, hai người cùng một giấc chiêm bao, hiện ra từ hai viên đá hình nhân phúc hậu, nói: “Duyên cơ trời định, các con đưa ta về đây, ta sẽ ở đây vĩnh viễn để bảo vệ xóm làng các con được thiên thu”. Tỉnh giấc, họ nhấc hai viên đá mãi không được, đành lập bàn thờ, sau đó kể với dân làng trong vùng.

Tiết trời lúc đó vào tháng ba, vạn vật tốt tươi, tổng Cơ Sa (Minh Hóa ngày nay) làm lễ mừng vui, mỗi nhà đều có góc thờ Bụt, thác nước huyền mỹ nơi có hai viên đá được đặt tên thác Bụt. Đấy là chuyện kể qua hàng ngàn đời, và đến nay có nhiều dị bản nhưng câu chuyện nghe được là một trong những dị bản hay và nhiều ý nghĩa.

Từ đó mỗi năm, đến rằm tháng ba Âm lịch, người Nguồn lại về với thác Bụt ở xã Yên Hóa, giữa lưng chừng trời mây giăng, thờ cúng, hội hè. Đấy là nơi duy nhất thờ Bụt một cách tâm linh cho đến ngày nay.

  • Yêu dưới ánh trăng

Trước khi cúng Bụt vào ngày 15, từ ngày 14 Âm lịch người từ các ngã núi kéo về. Nam thanh nữ tú, xe cộ dập dìu. Con trai, con gái chọn từng bộ áo quần đẹp nhất đi chơi thác Bụt. Với người Nguồn, Bụt sinh ra thế giới quan, nhân sinh quan, Bụt cho ý thức về trai gái, yêu đương, Bụt cho nhân duyên tiền định của các cuộc tình dưới trăng để người Nguồn có cái trí, đặt lề lối gia phong, nghĩ ra nguồn cảm hứng về hát dân gian của các điệu hát đúm (tương tự như điệu hò), hát sắc bùa bên men rượu vùng cao.

Đêm đó, dưới ánh trăng rót mượt lên từng cành lá nhỏ của khu rừng Dác Púng, bao đôi yêu nhau hát đối đáp, từng lời đúm vút cao, xoay chuyển cây lá: “Gặp nhau nửa thẹn nửa mừng/Không dám chơi trót, không dám dừng cho lâu/ Gặp nhau chưa kịp thở than/Chưa đành trong dạ, chưa an trong lòng”. Trong không gian huyền hoặc của ánh trăng đêm, có đôi câu hát tỏ mờ đến da diết bên suối khiết tinh: “Tay cầm chiếc quạt che trăng/Thiếp thương chàng vạn bội biết tính răng được chàng”… bao tiếng đúm chất cao trong ánh trăng vằng vặc rồi cũng hạ điệu giữa muôn trùng núi non giữa trời đêm diệu vợi, tiếng đúm lặng khẽ, nhường lại những lời tự tình nhỏ nhẹ bên suối, bên khe.

Từng đôi yêu tìm được nhau, đến với nhau, đi qua bàn thờ Bụt, quỳ sụp xuống, kỳ khấn bên nhau cho đến lúc thành ma nhà trời, nương tựa vào nhau ở cao nguyên lộng gió.

  • Phiên chợ hát

Hôm sau, khi mặt trời được ông Đùng vạm vỡ kéo lên từ đằng Đông, những người chơi đúm cầm tay nhau về chợ Sạt họp phiên. Ông Đùng trong tiềm thức người Nguồn là sản phẩm do Bụt biến thành nhằm cứu giúp người dân thoát cảnh thiên tai để có phiên chợ đặc biệt ngày rằm tháng ba, sau đêm yêu đương của những đôi trai gái vượt núi qua đồi tìm về thác Bụt.

Chợ họp rộn ràng, từng gương mặt người hớn hở sau men rượu núi, khuôn mặt ai nấy đỏ lựng, tham gia phiên chợ với vô vàn lời hát của hò thuốc, hò kéo thuyền, hát sắc bùa, hát nhà trò, rồi múa tiên, ném xoay… Rượu vào xoay chuyển đất trời, tiếng hò, tiếng hát vang lên giữa không khí chợ vùng cao. Người bản trên thi tài cùng người bản dưới, người làng thượng trổ tài cùng người làng trong, không khí hội hè bừng lên khí thế của phiên chợ hát có một không hai.

Vẳng đâu đó tiếng khen làng Sạt rộn ràng: “Chúc cho làng Sạt quê ta/Núi cao, rừng thẳm xinh đà thêm xinh/Làng ta non nước hữu tình/Rõ ràng đất có thần linh đời đời”. Bên kia nhóm người Ba Nương mặt ửng đỏ xướng thanh: “Ba Nương nước đã trèo đèo/Băng đồi, băng núi về reo quanh làng/Ruộng đồng ngô lúa reo vang/Làng ta nhân kiệt đời đời vang xa”.

Rồi những đôi yêu cũng hát với nhau bên chén rượu ủ nồng. Họ hát say giữa đất trời cho một cuộc chợ tiêu dao tự tại. Điều đặc biệt của phiên chợ hát là có bao vật phẩm tinh sạch tự tạo của người trong vùng đưa đến, dọn ra thức nào cũng ngon đến lạ. Những món A Piing, A Doong, món canh nhộng ong, lá sắn xào tươi, Pồi ngô, Pồi đoác, rồi canh kiến lá ớt, ăn một lần thấy nhớ mãi cảnh núi rừng tươi thắm của một vùng đất đầy truyền thuyết lịch sử.

Lên cao nguyên Quy Đạt được mở ra một vùng đất mẫn tiệp. Người Nguồn sáng lên từ núi rừng giữa hình ảnh hội hè là sự vui tính, hào hoa một cách lịch lãm bên trời mây trắng sương giăng. 

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục