Tỉnh ủy Gia Lai vừa tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm lần thứ 56 chiến thắng Đăk Pơ. Trong chiến thắng đi vào lịch sử ấy, Thượng tướng Nguyễn Minh Châu (tức Năm Ngà) - người chỉ huy trận đánh vừa được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Người dân Đăk Pơ không thể quên những chiến công của Năm Ngà và đồng đội đã sống chết cùng mảnh đất Tây nguyên…
Quyết tâm
Đêm 17-6-1954, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 - Liên khu 5, Năm Ngà dẫn đoàn cán bộ đi khảo sát thực địa, quyết chiếm một điểm được xác định tại huyện Đăk Pơ trên QL19. Mục tiêu là cắt đứt QL19 không cho giặc Pháp từ Pleiku tiếp tế xuống An Khê, đồng thời phải lập kế hoạch tiêu hao sinh lực địch từ An Khê hành quân về Pleiku.
Năm Ngà phân công hai mũi tiêu diệt địch, một từ cầu Đăk Pơ lên đến đỉnh dốc Đăk Pơ, một diệt địch từ cầu Đăk Pơ lùi về phía Đông khoảng 800m. Chưa an tâm với hai mũi giáp công, ông Năm Ngà còn chỉ thị 1 cán bộ chạy thật nhanh từ vị trí trung đội ĐKZ ra đến chỗ đặt súng chận đầu, dùng đồng hồ xác định thời gian để tính thời điểm nổ súng, sao cho chiếc xe đi đầu vừa lên tới đỉnh dốc Đăk Pơ, cũng sẽ vừa hứng ngay loạt đạn ĐKZ đầu tiên của ta. Năm Ngà lý luận: “Chỗ này đường hẹp, hai bên vách đá dựng đứng, nếu 1 xe chết tại đây, không xe nào vượt qua được, địch sẽ ùn ứ…”.
Trưởng Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 96 (tại Bình Định) Nguyễn Tự nhớ lại: “Đây là một chi tiết rất quan trọng bởi nếu xuất kích sớm hơn thì trên mặt đường chưa có địch, đội xung kích của ta sẽ thương vong nhiều. nếu xuất kích chậm, bộ binh của địch đã vượt qua khỏi đỉnh dốc sẽ quay lại đánh tạt vào sườn quân ta”.
Ngày 24-6, toàn trung đoàn hoàn thành việc phục kích trước trời sáng. 8 giờ, tin báo có khoảng 400 chiếc thiết giáp, xe kéo pháo. Lúc này, máy bay của địch lượn dọc theo QL19 để trinh sát, ông Năm Ngà nhận định: Quyết tâm là chặn đánh đoàn xe nhưng đánh thế nào, đánh cả đoàn hay đánh một đoạn thì chưa có sự nhất trí. Và khi được chính ủy trung đoàn giao cho quyền tự quyết định, Năm Ngà lại trăn trở: Đánh hết thì khó khăn vì lực lượng ta quá ít, trang bị vũ khí kém xa chúng. Nếu chỉ cắt đánh đoạn cuối của Binh đoàn 100 cho vừa sức thì có tội với Đảng, với nhân dân vì để sổng phần lớn địch chạy thoát về Pleiku.
Ông Nguyễn Tự nhớ lại: “Thời gian còn rất ít, ông Năm Ngà đã thật táo bạo ra lệnh: Đánh hết không cho xe nào chạy thoát, liên tục tập kích, truy kích”. Qua điện đàm, ông Năm Ngà xin ý kiến cấp trên và được chỉ thị: “Đánh theo quyết tâm của người chỉ huy”.
Xuất kích
12 giờ 30, quân địch lọt vào trận địa phục kích. Trung đoàn trưởng Năm Ngà hạ lệnh xuất kích. Trung đội ĐKZ mở hết tốc lực, đến nơi đúng giờ quy định, bắn gục ngay chiếc xe công binh đi đầu vừa lên tới đỉnh dốc Đăk Pơ, mấy trăm xe phía sau bị ùn lại dồn lên sát vào nhau như một con rắn khổng lồ dài hơn 5km. Cùng lúc với ĐKZ, các mũi xung kích cũng đồng xông lên, tràn xuống mặt đường. Cối 82, ĐKZ nổ súng chính xác vào đội hình của địch, yểm trợ đắc lực cho bộ binh.
Do ngay từ phút đầu, xe của Sở Chỉ huy Binh đoàn 100 bị trúng đạn, xe điện đài cũng bị đạn cối phá hủy nên địch bị mất liên lạc với bên ngoài, rối rắm như “rắn mất đầu”. Số đông còn sống thì bỏ chạy thục mạng sang phía Nam nhưng lại đụng bộ phận rút chặn của ta gây nhiều thương vong. Đến 15 giờ 30, Trung đoàn 96 làm chủ trận địa. Lúc này, Binh đoàn 100 củng cố lại đội ngũ phản công ác liệt, dùng nhiều xe tăng dẫn bộ binh đánh ngược vào trận địa của ta. Tuy kém hơn về số lượng và vũ khí nhưng Năm Ngà quyết định áp dụng lối đánh “cận chiến”, chờ địch áp sát mới dùng ĐKZ bắn cháy các xe tăng. Với kiểu đánh ấy, Trung đoàn 96 đã đẩy lùi tất cả các đợt phản kích và vô hiệu hóa không quân và pháo binh của địch.
Chiến thắng Đăk Pơ đã làm rung chuyển cả Tây Nguyên tạo nên một bước ngoặt làm quân địch ở Tây Nguyên vỡ trận, góp phần quan trọng cùng với Điện Biên Phủ và cả nước đánh bại ý chí xâm lược của giặc Pháp.
M.ANH – T.AN