Cà phê ôm “phá” xóm nghèo

Cà phê ôm “phá” xóm nghèo

Tỉnh lộ 827 thuộc xã Hòa Phú, huyện Châu Thành (tỉnh Long An) gần đây mọc lên khá nhiều quán cà phê, mà quán nào tiếp viên cũng nhiều hơn khách nên khách uống cà phê sẽ “một kèm một”. Đàn ông vùng này trước chí thú làm ăn, giờ nhiều người sinh tật, khiến không ít gia đình xào xáo. Có bà vợ còn gửi đơn đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Quán bèo, “hàng” dạt

Các quán cà phê dạng này hầu hết đều dựng kiểu “đạp là đổ”, nhằm tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư. Nhìn từ bên ngoài, quán thường để năm ba chậu kiểng loại rẻ tiền, nhất thiết không cần cắt tỉa, cây càng um tùm càng tốt. Theo lý giải của một chủ quán, cây lá um tùm như thế mới “che mắt được mấy bà vợ vừa già vừa xấu”.

Bên trong quán kê chừng năm bảy cái bàn nhựa, vậy mà có khi còn thừa. Mấy ông chạy xe ôm cứ chạy xe rề rề, thấy quán vắng khách mới lủi vô, vì quán đông “vô sợ gặp người quen”.

Cà phê ôm “phá” xóm nghèo ảnh 1

Một trong hàng chục quán cà phê ôm ven tỉnh lộ 827

Theo một chủ đại lý nước ngọt ở chợ Hòa Phú, mấy quán dạng này mỗi ngày bán chưa tới một két xá xị. ”Chủ quán chuộng xá xị vì giá rẻ, bán sẽ lời nhiều hơn”, chủ đại lý cho biết. Các loại ly, tách, muỗng… thuộc hàng rất bình dân. Cà phê… bắp, đường loại bét, trà mốc… là những thứ mà chủ quán luôn chuẩn bị sẵn. Nói chung, càng giảm nhẹ chi phí thì mới có lời, bởi khách hàng chẳng mấy ai quan tâm đến chất lượng thức uống.

M.T., ngụ phường 2, thị xã Tân An, một khách hàng thân thiết của những quán này cho biết, nhân viên phục vụ hầu hết là “hàng dạt” về từ khu cầu Voi, cầu Ván (tuyến quốc lộ 1A, thuộc huyện Thủ Thừa).

Sau một thời gian, nhiều tiếp viên không còn hương sắc nên bị chủ quán loại ra. Đương nhiên, về nông thôn thì giá giảm xuống chỉ còn một nửa, thường chỉ 50 ngàn đồng một suất ôm. “Nhiều chủ quán trước hoạt động ở khu cầu Voi, cầu Ván, do cạnh tranh quá khốc liệt, làm ăn thua “đồng nghiệp” nên họ dạt về Hòa Phú, Vĩnh Công mở quán”, T. tiết lộ thêm.

Nghề khó bỏ?

Trong số hơn hai chục quán cà phê ôm đang hoạt động, chỉ một vài quán có trưng bảng hiệu. “Tín hiệu” dễ biết nhất là mấy dây đèn xanh đỏ, lập lòe chớp tắt trước quán, bên trong thì tối om. 

Ghé một quán ven đường, chúng tôi lấy lý do có hẹn công việc nên chỉ ngồi uống nước. Vậy mà hai “bà chị” tuổi trên 40 phấn son lòe loẹt vẫn ra ngồi với khách… cho vui. Một chị than: “Sáng giờ ế khách quá, hai em ôm… mở hàng cho chị nha cưng!”.

Chị kể, trước làm nhân viên quán ôm ở cầu Voi, từng bị “hốt” vô Trung tâm phục hồi nhân phẩm hai lần. “Tụi chị già rồi, làm hổng lại mấy đứa trẻ nên chạy về đây mướn đất mở quán, vừa làm chủ vừa làm… tiếp viên”, ngừng một lát, chị tiếp: “Lỡ đeo cái nghề này, ráng làm chứ già rồi biết làm gì kiếm tiền!”.

Khác những “bà chị” già, mấy cô tiếp viên trẻ thường ăn chia 5/5 với chủ. Thùy T. (quê Giồng Riềng, Kiên Giang) tâm sự: “Muốn kiếm tiền nhanh, tụi em mới chọn nghề này. Chứ làm công nhân biết đến khi nào mới có vốn hả anh”. “Em định có vốn sẽ làm gì?”, tôi hỏi. Thùy T. tỉnh bơ: “Có chừng chục triệu là em nghỉ làm, ăn xài thả ga vài ba tháng rồi… làm tiếp”.

Nhiều tiếp viên khác cũng nghĩ như Thùy T. Bảo hoàn cảnh đẩy đưa chỉ là cái cớ. Ban đầu nghèo khó, làm tiếp viên ôm một thời gian cô nào cũng có xe máy, sắm di động đời mới thì không ai nói đến bỏ nghề.

Xóm nghèo xào xáo

Không giống các quán ôm ở quốc lộ 1A phục vụ khách vãng lai, quán ôm ở nông thôn hầu như chỉ phục vụ khách “mối”. Nhiều ông trước đây đi làm cả ngày, tối về lai rai 1-2 xị đế đã thấy đời lên hương. Bây giờ nhiều ông bỏ nhậu, cứ chiều chiều là đầu tóc láng mướt, xách xe đi tìm của lạ.

Chị Nguyễn Thị H., ở xã Hòa Phú cho biết, mấy lần chị xông vào quán ôm dạng này để kiếm chồng mà không gặp, còn bị các tiếp viên lôi ra đòi đánh. Trong đơn trình bày, chị H. bức xúc: “Thấy ổng vô quán rõ ràng mà không bắt được tại trận nên tui mới tức, còn về nhà mà cằn nhằn là ăn… bạt tai của ổng”.

Không ít ông đi làm thuê công nhật có đồng ra đồng vô, tuần vô một, hai lần. Có ông xưa giờ làm ruộng, thì lấy tiền mua phân, mua thuốc để đi quán ôm. Người dân nơi đây đang bàn tán chuyện có ông mê ôm đến mức bán luôn máy cày, máy phóng “đi ôm cho biết mặt từng em”.

Rồi chuyện một “cụ” (tuổi hơn 60) làm phụ hồ ngày vài chục ngàn cũng trút hết vào đây mà không đưa vợ đồng nào... Đáng nói hơn, có nhiều học sinh 15, 16 tuổi tò mò cũng vô quán “ôm cho biết với người ta”… Gia đình ông V. tuần nào cũng bị mất trộm gà, cuối cùng mới té ngửa khi phát hiện thủ phạm là… cậu quý tử mới lớn, chôm gà bán để bao bạn bè… đi ôm.

Không ít gia đình xào xáo, quán ôm xóm nghèo vẫn mọc lên ngày càng nhiều, nhưng đến nay, vẫn chưa có động thái nào để kiểm tra, chấn chỉnh từ phía cơ quan chức năng.

HỮU DANH

Tin cùng chuyên mục