Quá trình đi tìm hiểu sự thật về việc xử lý hung thủ giết hại 3 mạng người tại quận 4 năm 2004. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng lúc với BS Nguyễn Văn Thọ, giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 và BS Đường Khắc Tám.
- Cho ra viện để “giải phóng” giường bệnh (!?)
PV: Dư luận đặt nhiều câu hỏi, quá trình điều trị bệnh cho Phạm Trung Thành tại bệnh viện là có vấn đề, cụ thể là kết quả giám định lại để tên giết người được xuất viện?
° BS Đường Khắc Tám: Tôi đã làm đúng quy trình giám định pháp y tâm thần theo Thông tư liên tịch 03-TTLT ngày 24-9-1997 giữa Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện KSNDTC, TANDTC hướng dẫn việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi điều trị bắt buộc, hội đồng chính đang theo dõi điều trị tiến hành giám định lại xem người bệnh đã ổn định chưa. Nếu ổn định rồi thì cho ra, không cần điều trị bắt buộc nữa. Cơ quan nào ra quyết định điều trị bắt buộc sẽ ra quyết định trưng cầu giám định lại.
PV: Trong trường hợp này, cơ quan nào đã ra quyết định trưng cầu giám định lại cho Phạm Trung Thành?
° BS Tám: Cái này không rõ lắm. Quy định là vậy nhưng có cũng được, không có cũng được (!?).
° BS Nguyễn Văn Thọ (Giám đốc bệnh viện): Ở đây mình có quyết định không?
° BS Tám: Cái quyết định đó thì không có, nhưng từ trước đến nay chúng ta có quy định thường thì điều trị bắt buộc sau một năm là giám định lại và cho ra viện hết. Trong trường hợp của Phạm Trung Thành thì chưa có, nhưng không có gì sai. Tất cả các trường hợp khác đều làm theo quy trình của Thông tư 03 (!?).
PV: Vậy Hội đồng giám định y khoa được lập ra do cơ quan nào quyết định?
° BS Thọ: Cũng tùy từng trường hợp. Thường thì ít nhất phải một năm theo dõi. Khi thấy tình trạng bệnh của bệnh nhân ổn định, chúng tôi báo cáo lên trên và trên ra quyết định giám định lại.
PV: Bệnh viện đã có báo cáo về trên đối với trường hợp của Phạm Trung Thành?
° BS Thọ: Cái này thì quy định của pháp luật không có đâu (!?). Bệnh viện thấy đảm bảo ổn rồi, chúng tôi cứ tiến hành giám định lại, sau đó báo cáo cho Viện KSND để nơi đây ra quyết định thôi áp dụng biện pháp chữa trị bắt buộc.
PV: Xin hỏi lại BS Thọ, vậy ai đã ra quyết định thành lập hội đồng giám định lại cho Phạm Trung Thành?
° Hội đồng giám định của chúng tôi là có sẵn và hoạt động thường xuyên. Đây là công việc thường ngày mà. Không cần ra quyết định thành lập hội đồng cho từng trường hợp cụ thể. Hội đồng giám định y khoa của chúng tôi trước kia theo quy định phải 15 người. Tuy nhiên, sau này thì quá tải, nên chúng tôi chia làm ba nhóm và đều do tôi ký chịu trách nhiệm.
Để “giải phóng” giường bệnh thì chúng tôi có quyền giám định lại và cho họ ra viện, chứ ở lại thì rất căng, không có chỗ mà nằm. Chúng tôi không “giải phóng” được giường bệnh thì không nhận được các trường hợp khác vào chữa trị. Cho nên chúng tôi giám định lại và thấy bảo đảm về chuyên môn thì cho họ xuất viện. “Đầu vào” là Viện KSND ra quyết định điều trị bắt buộc. Còn “đầu ra” thì chỉ cần chúng tôi báo cáo đã giám định xong và bệnh nhân ổn định là Viện KSND ra quyết định cho ra.
- Giám định không cần xác minh tiền sử bệnh (!?)
PV: Từ lúc gây án (ngày 10-5-2004) cho đến 30-11-2004, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM mới ra quyết định trưng cầu giám định lần đầu với Phạm Trung Thành. Khoảng thời gian dài này có đủ xác định trước và trong lúc gây án Phạm Trung Thành bị tâm thần?
° BS Thọ: Chúng tôi phải đi xác định bằng nghiệp vụ như hỏi lại người bệnh, đi về địa phương xác minh những người có quan hệ thường xuyên với người bệnh – vì bệnh nó có cả quá trình.
PV: Đối với Phạm Trung Thành, bệnh viện có về địa phương và gia đình xác minh tiền sử bệnh không?
° BS Thọ: Trường hợp nào thấy hồ sơ đã rõ thì thôi. Có những trường hợp khó chúng tôi phải đi xác minh nhiều lần.
PV: Trường hợp của Phạm Trung Thành có khó không?
° BS Thọ: Trường hợp này tôi không theo dõi vì đi phép về Bắc và giao cho anh Thông, Phó Giám đốc bệnh viện phụ trách.
° BS Tám: Trường hợp này các triệu chứng rất rõ. Các triệu chứng này đều do công an cung cấp cho chúng tôi, nên không cần thiết phải đi xác minh (!?).
Phạm Hoài Nam