Chuẩn bị cho hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP trước khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ghi nhận thái độ nghiêm túc, cầu thị thể hiện qua các báo cáo công tác đã được gửi tới Quốc hội.
* ĐB Trần Ngọc Vinh (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng)
Tôi cho rằng các vị được lấy phiếu lần này đã có những bản tự nhận xét khá đầy đủ về lĩnh vực công tác của mình, chỉ ra những mặt làm được, cũng nhận rõ những việc chưa làm được, thể hiện tinh thần nhận trách nhiệm rõ ràng hơn. Những báo cáo không thực tế, nhận trách nhiệm chung chung, sẽ bị ĐBQH “cho điểm thấp”. Tuy chưa thể nói thật nói thẳng hoàn toàn, nhưng cũng có những việc phải nhận khuyết điểm về mình, chứ không thể cứ thành tích thì của cá nhân, khuyết điểm lại đổ cho tập thể.
Những người được lấy phiếu lần trước cũng đã có sự nỗ lực đáng ghi nhận. Lần trước hai vị có số phiếu tín nhiệm thấp là ngân hàng và giáo dục thì lần này ngân hàng đã có những tiến bộ. Tình hình kinh tế vẫn khó khăn, nhưng vẫn giữ được tỷ giá VND, giá vàng tương đối ổn định, lãi suất cho doanh nghiệp vay đã giảm, trong khi vẫn thu hút được tín dụng. Đó là những tiến bộ rõ nét. Xử lý nợ xấu là vấn đề rất khó khăn mà cũng đã từng bước giải quyết được, dù còn hạn chế vì chúng ta không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý vấn đề này như các nước.
Tất nhiên, để đánh giá tín nhiệm thì ngoài báo cáo của người được lấy phiếu, ĐBQH cũng phải sử dụng nhiều kênh thông tin khác; phải nghe ý kiến của cử tri; tham khảo ý kiến của những người ở gần những đồng chí lãnh đạo ấy và dựa vào sự quan sát của chính bản thân mình. Ví dụ, Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa rồi đã rất quyết liệt trong việc xử lý tại hiện trường nhiều vụ việc nóng, những nơi khó khăn ông đều đã có mặt tức thời, đưa ra thời hạn cụ thể để giải quyết dứt điểm những việc ấy. Đấy là những việc mà bản thân tôi nhận thấy. Còn thực sự thì có những việc mà không thể ngày một ngày hai giải quyết được như y tế và giáo dục. Cũng có cái vướng do cơ chế chính sách. Những vị tư lệnh ngành có được chế tài xử lý cán bộ cấp dưới không? Hay đã cấm dạy thêm học thêm rồi mà trên thực tế vẫn diễn ra, hay biến chứng khi tiêm chủng... chẳng tư lệnh ngành nào muốn cả; xử lý cũng không đơn giản. Nên chúng ta cũng phải đánh giá khách quan, thấu hiểu cái khó cho người đứng đầu là cơ chế chính sách chưa đồng bộ.
* ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật
Thời gian qua, nhiều bộ ngành đã có những giải pháp quyết liệt, điều này mọi người đều nhận thấy rõ. Ví dụ Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương… tôi nghĩ có lẽ lần này những đồng chí lãnh đạo sẽ được đánh giá cao hơn so với lần lấy phiếu trước. Rõ ràng việc lấy phiếu tín nhiệm cũng có tác động tích cực đến các bộ ngành. Cũng có ý kiến đề nghị mở rộng diện lấy phiếu, nhưng theo tôi nên thu hẹp, chỉ nên thực hiện với người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính.
Về báo cáo công tác của những người được lấy phiếu, đó là một kênh thông tin cần thiết, nhưng chưa đủ; còn nhiều kênh khác nữa. Kể cả khi những người được lấy phiếu báo cáo rất trung thực, thì những việc họ làm được cũng phải nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điều này phụ thuộc vào suy luận và nguồn thông tin, việc thu thập và xử lý thông tin của mỗi đại biểu. Nhưng nhìn chung thái độ làm báo cáo của những người được lấy phiếu đã nghiêm túc hơn, đúng mức hơn, đầy đủ hơn so với báo cáo lần trước.
ANH THƯ thực hiện