Các cơ quan nhà nước còn “nợ” doanh nghiệp rất nhiều

* Phóng viên:

Cuối tuần qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Là người đã tham gia xây dựng và theo dõi quá trình triển khai các nghị quyết 19 từ năm 2014 đến nay, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nói với Báo SGGP rằng, ông không khỏi lo lắng vì số cải cách, thay đổi hàng năm vẫn “đếm được trên đầu ngón tay”, trong khi chúng ta mới đi được một nửa chặng đường đến ASEAN 4.

* Phóng viên: Ông đã cho biết việc thực hiện Nghị quyết 19/2016 góp phần giúp cho môi trường kinh doanh được thăng hạng 9 bậc, nhiều nhất từ năm 2008 đến nay. Xin ông giải thích thêm về nhận định của mình?

Các cơ quan nhà nước còn “nợ” doanh nghiệp rất nhiều ảnh 1

                      TS Nguyễn Đình Cung

- TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Đúng là trong 3 năm qua, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện, năm 2016 tăng 9 bậc, với hầu hết các chỉ số tăng điểm hoặc tăng hạng, là mức cải thiện nhiều nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, chỉ cần một cải thiện nhỏ cũng có thể làm lợi lớn cho doanh nghiệp, cho xã hội. Đơn cử, chỉ riêng việc bãi bỏ kiểm tra formaldehyde (theo Thông tư 23/2016 của Bộ Công thương) đã giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng và hàng vạn ngày công cho các doanh nghiệp dệt may; việc bãi bỏ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất (theo Quyết định 4846/QĐ-BCT ngày 9-12-2016 cũng của Bộ Công thương) đã giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng (55.000 tờ khai mỗi năm), đơn giản hóa thủ tục và áp dụng hậu kiểm đối với dán nhãn năng lượng. Những việc làm hỗ trợ doanh nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - PV) và lãnh đạo tỉnh này tuy không phải tốn kém nguồn lực lớn, nhưng đã khích lệ tinh thần khởi nghiệp rất cao. Không phải ngẫu nhiên mà tỉnh Đồng Tháp, tuy còn khó khăn, nhiều năm qua đứng trong tốp đầu các địa phương có môi trường kinh doanh tốt nhất cả nước theo cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp…

Thế nhưng phải thẳng thắn mà nói rằng những thay đổi đó vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Vẫn còn nhiều nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết 19 trước đây chưa có kết quả hoặc chưa được thực hiện. Với NQ 19/2014, số lượng giải pháp là 50, đã thực hiện và có kết quả là 8; đã thực hiện nhưng chưa có kết quả rõ ràng là 17, chưa thực hiện hoặc chưa có kết quả lên tới 25. Các con số tương ứng cho năm 2015 là 73, 33, 17, 23. Năm 2016, thành công nhất, thì số lượng giải pháp là 83, đã thực hiện và có kết quả là 37; đã thực hiện nhưng chưa có kết quả rõ ràng là 20, chưa thực hiện hoặc chưa có kết quả là 26. Tóm lại là dù có cải thiện qua từng năm, nhưng tỷ lệ giải pháp đã thực hiện và có kết quả vẫn chưa năm nào quá bán - năm cao nhất cũng mới chỉ 44,6%. Đối chiếu với các nghị quyết 19, các cơ quan nhà nước vẫn còn “nợ” doanh nghiệp rất nhiều.

* Ông có thể nêu một vài món “nợ” cụ thể?

- Nhiều văn bản đã nêu liên tục trong các Nghị quyết 19 vẫn chưa được bổ sung sửa đổi. Ví dụ việc ban hành danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo NĐ số 187/2013 (thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương); Thông tư 48/2013 quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu (Bộ NN-PTNT); Thông tư 19/2012 về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Thông tư 28/2012 về công bố hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (Bộ KH-CN)… Số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu chưa giảm được (từ 30% - 35% xuống còn 15%) cũng là món nợ lớn đối với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1.

*  Theo ông, đâu là những lực cản trong quá trình triển khai các nghị quyết 19?

- Nhiều lắm. Chưa bàn đến chuyện tiêu cực, thì công chức có liên quan và bộ máy quản lý nhà nước nhìn chung vẫn thụ động, trì trệ, ít đổi mới sáng tạo. Câu trả lời thường nghe nhất về một vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp là “chúng tôi làm đúng theo quy định”. Dù vướng mắc nghĩa là quy định không đúng ở đâu đó, nhưng công chức luôn cho rằng phần đúng thuộc về các cơ quan nhà nước và thế là đủ, mà không hoặc rất ít khi chủ động tìm ra và đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những thay đổi, bổ sung vừa qua trước hết và chủ yếu do sức ép từ doanh nghiệp, từ chỉ đạo của Chính phủ và dư luận xã hội. Cũng phải rất thẳng thắn mà nói rằng vai trò của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh còn mờ nhạt, ngoại trừ Chủ tịch Hội đồng.

* Ông có bình luận gì về những mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết 19/2017?

- Mục tiêu cho năm 2017 và những năm tiếp theo được đặt ra cao hơn, toàn diện hơn, cũng có nghĩa là việc thực hiện NQ19/2017 sẽ thách thức hơn nhiều. Như tôi đã nói, chúng ta vẫn còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu ASEAN 4, cho nên muốn thực hiện thành công, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương là yếu tố quyết định. Như bạn đã thấy, ngay tại hội nghị này, chất vấn và yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với Bộ KH-CN chắc chắn đã giúp thúc đẩy nhanh hơn việc ban hành Thông tư 28/2012 - một văn bản đã làm khổ doanh nghiệp bao lâu nay.

*  Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ thực hiện

>> Thông tư “hành” doanh nghiệp

Tin cùng chuyên mục