Các giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật chưa được chú trọng đúng mức

(SGGPO).- Ngày 6-11, Báo cáo tập hợp ý kiến thảo luận tại các tổ ĐBQH về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; các Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) năm 2013 vừa được Đoàn Thư ký kỳ họp QH gửi đến các vị ĐBQH.

Theo đó, về cơ bản, ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với các Báo cáo của Chính phủ, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp; đồng thời cho rằng, các báo cáo của Chính phủ, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC nhìn chung đã phản ánh được toàn diện về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng trong năm qua.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các báo cáo còn thiếu cụ thể, nhiều số liệu còn chưa thống nhất. Báo cáo của Chánh án TANDTC chưa đề cập đến công tác của Hội thẩm nhân dân, chưa đánh giá việc tranh tụng tại phiên tòa qua các năm trong khi chất lượng tranh tụng tại phiên tòa còn yếu; chưa nêu rõ nguyên nhân tồn đọng án hình sự (2%) và số lượng cụ thể các vụ án đã quá thời hạn mà chưa được giải quyết.
Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án chưa chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế trong công tác thi hành án dân sự, số liệu về tỷ lệ tái phạm (3%) là chưa đúng. Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ chưa đưa ra được tiêu chí cụ thể để đánh giá tình trạng tham nhũng, chưa nêu được tình hình tham nhũng trong từng ngành, lĩnh vực, chưa phản ánh đúng thực trạng mà vẫn là những đánh giá chung chung như báo cáo các năm trước và thay thế về số liệu; một số nhận định, đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng còn mâu thuẫn với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Có ý kiến cho rằng thực tế việc hủy án, sửa án không thể xóa bỏ được, vì vậy tỷ lệ giảm ít nhất 1% án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan là khó đạt được. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân như do lỗi chủ quan trong xét xử, có nhiều loại án mới trong khi văn bản quy phạm pháp luật lại chưa đầy đủ...

Có ý kiến cho rằng, kết quả hoạt động của ngành Công an còn có những mặt chưa đáp ứng yêu cầu; trách nhiệm của cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật ở một số nơi còn chưa tốt; số lượng đối tượng truy nã còn nhiều; cơ chế để bảo vệ người tố cáo tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đầy đủ và chưa được thực hiện tốt; việc xử lý tin báo, tố giác tội phạm còn chưa triệt để. Cán bộ đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn thiếu, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tình hình phòng chống tội phạm chưa có chuyển biến tích cực, chưa có sự đổi mới để phù hợp với tình hình mới.

Đáng lưu ý, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, công tác phòng ngừa tội phạm còn chưa hiệu quả, chưa tương xứng với tình hình; chưa tạo được chuyển biến tích cực. Một số ý kiến cho rằng, các biện pháp Chính phủ nêu ra về công tác phòng ngừa, chống vi phạm phạm pháp luật và tội phạm còn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức để ngăn chặn vi phạm pháp luật và tội phạm.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng tình hình tham nhũng vẫn còn tiềm ẩn và có chiều hướng gia tăng tại một số lĩnh vực, gây bức xúc trong dư luận. Tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng đang hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng chủ yếu mới phát hiện cán bộ cấp dưới sai phạm; nguyên nhân là do công tác quản lý cán bộ trong lĩnh vực này còn nhiều sơ hở dẫn đến thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước rất lớn, nhất là ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Có ý kiến cho rằng năm 2013, việc phát hiện và xử lý tham nhũng tăng nhưng xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giảm. Báo cáo của Chính phủ đánh giá “còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng” cho thấy việc xử lý chưa nghiêm.

Có ý kiến cho rằng, đối với vụ việc sai phạm tại Bệnh viện Hoài Đức - Hà Nội thì cần có cơ chế để đảm bảo quyền lợi, xem xét khoan hồng đối với người tố cáo bởi những sai phạm trước đó của người tố cáo được thực hiện theo sự chỉ đạo; sau đó người tố cáo đã mạnh dạn đứng ra tố cáo tiêu cực, sai phạm, có công thu thập tài liệu, bằng chứng để làm rõ vụ việc.

 ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục