Các khoản phí giáo dục còn gây tranh cãi

(SGGP).- Ngày 9-5, đoàn công tác do ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TPHCM về giải quyết kiến nghị cử tri trong 2 lĩnh vực: thu học phí, lệ phí, các khoản đóng góp của học sinh và chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn TP. Trước đó, Quốc hội nhận được nhiều ý kiến cử tri phản ánh việc phải đóng nhiều khoản ngoài quy định về học phí và lệ phí của Luật Giáo dục 2005 và ở nhiều nơi, người nghèo không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: Hiện TPHCM vẫn đang áp dụng các quy định về thu học phí, cơ sở vật chất được ban hành từ năm 1998, 1973. Mức thu học phí như vậy là quá thấp, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Chính nhờ Quyết định 49/2000 của TP về việc cho phép thực hiện các khoản thu, chi học phí, tiền cơ sở vật chất và thu khác của ngành giáo dục - đào tạo TP từ năm học 2000-2001 đã tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục. Ngoài việc thu học phí, trong nhà trường hiện đang thu các khoản khác như tiền nước uống, nha học đường, phụ đạo tăng tiết, tiền in sao đề thi, giấy thi… và các khoản thu trên là phù hợp và hợp lý. Về vấn đề này, ông Vượng nhìn nhận, theo quy định tại Điều 105 Luật Giáo dục 2005, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác. Tuy nhiên, sau 6 năm ban hành luật, đến nay TP vẫn áp dụng các quy định trong các văn bản cũ.

Riêng báo cáo về tình hình người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội TP và Sở LĐTB-XH cho biết, TP đã đáp ứng được từ 55%-60% nhu cầu vay của hộ nghèo. TP có rất nhiều nguồn cho người nghèo vay ưu đãi, tập trung về hai đầu mối là ngân hàng chính sách và các quỹ dành cho người nghèo. Trong số hơn 150.000 hộ nghèo của TP, chỉ có khoảng 65%-70% số hộ có nhu cầu về vốn vay…

V.ANH

Tin cùng chuyên mục