Các nhà mạng đau đầu với dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí

Bùng nổ từ 3G
Các nhà mạng đau đầu với dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí

Hạ tầng băng rộng di động ở Việt Nam phát triển mạnh, giá cước dịch vụ 3G thấp cùng với giá điện thoại thông minh ngày càng hạ dẫn đến sự phát triển mạnh của các dịch vụ nhắn tin, gọi điện, chia sẻ hình ảnh miễn phí.

Gần đây, khái niệm OTT được nhắc đến nhiều tại Việt Nam, gắn với những ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí như Line, Zalo, Viber, KaKao Talk, Wechat… Sự hồ hởi của người dùng với các ứng dụng này có thể thấy khá rõ, với hàng triệu lượt tải về trên các điện thoại di động thông minh (smartphone) chỉ trong vài tháng. Đó cũng là bài toán nan giải của các nhà mạng di động Việt Nam hiện nay: Cấm hay không?

Bùng nổ từ 3G

OTT (Over The Top) là giải pháp cung cấp nội dung cho người dùng dựa trên nền tảng internet. Ưu thế lớn nhất của công nghệ này là cho phép cung cấp nguồn nội dung phong phú theo yêu cầu của người dùng vào bất kỳ thời điểm nào và tại bất cứ nơi đâu chỉ với một thiết bị phù hợp có kết nối internet. Mặc dù hiện nay OTT còn có một số hạn chế nhất định, song các ưu điểm của dịch vụ OTT vẫn chiếm thế “áp đảo” khiến nó ngày càng được ưa chuộng, như: tốc độ nhận tin nhắn rất nhanh, khả năng gửi file đính kèm, số lượng ký tự lớn…

Theo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), hạ tầng băng rộng di động ở Việt Nam phát triển mạnh, giá cước dịch vụ 3G thấp cùng với giá thiết bị smartphone ngày càng rẻ đã dẫn đến sự phát triển mạnh của các dịch vụ OTT mới như nhắn tin, gọi điện, chia sẻ hình ảnh miễn phí qua internet. Vấn đề này đã tác động nhất định đến thị trường dịch vụ viễn thông.

Bên cạnh sự đón nhận của người dùng, nhiều chuyên gia bảo mật đã cảnh bảo về các nguy cơ tiềm ẩn trong những ứng dụng OTT, cụ thể nhất là mất an toàn thông tin cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức. Theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận an ninh mạng của Bkav, những nguy cơ này trước hết đến từ chính người dùng, với nhận thức hạn chế về vấn đề an ninh, bảo mật của dịch vụ OTT. Khi lựa chọn ứng dụng, người dùng thường không quan tâm đến tính năng bảo mật của nhà cung cấp dịch vụ mà chỉ dựa trên tiêu chí về độ “hot” (thông qua các kênh quảng cáo), sự bắt kịp xu hướng với cộng đồng người dùng xung quanh… Dịch vụ OTT về bản chất có khả năng lưu trữ, trung chuyển các nội dung cuộc gọi, nội dung SMS giữa các smartphone, máy tính bảng thông qua máy chủ trung gian. Chính vì thế, dù đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào bị mất dữ liệu cá nhân, ảnh hưởng do bị rò rỉ thông tin từ việc dùng dịch vụ OTT, nhưng không thể loại trừ những hành vi thu thập dữ liệu, thông tin trái phép và xa hơn nữa, tùy theo mục đích của nhà cung cấp dịch vụ.

Nhà mạng và OTT có thể “bắt tay”

Sự bùng nổ của ứng dụng OTT cả trong và ngoài nước đang gây ra nguy cơ lớn đến nhà mạng di động, khi chiếm phần lớn doanh thu của những dịch vụ viễn thông cơ bản như nhắn tin, gọi điện. Nhất là khi chất lượng cuộc gọi OTT được nâng cao tiệm cận chất lượng cuộc gọi di động truyền thống sẽ khiến doanh nghiệp viễn thông thiệt hại lớn vì phải đầu tư cho hạ tầng mà không có doanh thu từ dịch vụ cơ bản. Khi lưu lượng OTT tăng cao, phần mềm cung cấp thêm chức năng như tải nhạc, xem phim trực tuyến, gửi nhận file dung lượng cao sẽ gây tắc nghẽn băng thông 3G của nhà mạng. Điều này khiến các nhà mạng di động Việt Nam hiện nay vô cùng lúng túng vì chưa có một chế tài, quy định nào đề cập đến việc quản lý dịch vụ này.

Ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng ban Viễn thông Tập đoàn VNPT, cho biết, các dịch vụ OTT của Whatsapp, Viber, Line, Kakao Talk, Zalo... đã gây thiệt hại rất lớn đến doanh thu của các mạng di động Việt Nam cũng như thế giới. Việc VinaPhone và MobiFone điều chỉnh các gói cước dịch vụ Mobile internet vừa qua (thực chất là tăng giá) được cho là nhằm bù đắp lại một phần chi phí khi các dịch vụ OTT hoạt động quá nhiều trên mạng 3G hiện nay.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, dịch vụ OTT như Viber, Whatsapp đang là nguy cơ với các doanh nghiệp viễn thông nói riêng và ngành CNTT, truyền thông, truyền hình nói chung. Các dịch vụ viễn thông cơ bản như thoại, SMS, truyền hình hiện chiếm tới 80% doanh thu của nhà mạng. Vì vậy, Bộ TT-TT nên có chính sách quản lý dịch vụ OTT trên cơ sở không kìm hãm nhưng phải đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành viễn thông. Đại diện mạng MobiFone cho biết, chỉ tính riêng SMS, các nhà mạng trên thế giới năm 2012 đã thất thu khoảng 13,9 tỷ USD, chiếm khoảng 9% doanh thu, vì các dịch vụ OTT. Thống kê của MobiFone cho biết, mỗi ngày có tới 280.000 cuộc gọi, 8,7 triệu tin nhắn qua Viber thì nhà mạng này đã thất thu trên dưới ngàn tỷ đồng mỗi năm trong khi lượng tiền thu về từ cước dữ liệu không đáng kể.

Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải cho biết, một số mạng di động đề xuất nên cấm dịch vụ gọi điện không mất tiền, nhưng đa số ý kiến cho rằng đây cũng là một dạng dịch vụ tiên tiến không nên cấm. Một trong những giải pháp được kiến nghị là cần có chính sách định hướng nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp di động và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT, trên cơ sở người sử dụng vẫn tiếp cận được dịch vụ nhưng cũng không làm ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp di động.

Hiện nay, một số dịch vụ như Zalo, Line đã đặt vấn đề hợp tác để cùng kinh doanh với các nhà mạng Việt Nam nhưng vẫn chưa có phương án cuối cùng. Các chuyên gia viễn thông nhận định, giải pháp hợp lý nhất là mạng di động và bên cung cấp dịch vụ OTT bắt tay nhau để đưa ra gói cước mới và ăn chia theo tỷ lệ, để vừa đảm bảo lợi ích của đôi bên vừa không làm ảnh hưởng quá nhiều đến quyền lợi của người sử dụng bởi xu hướng OTT là không thể đi ngược lại.

Ở Việt Nam, Line, Kakao Talk, Zalo... đang tích cực triển khai các chiến dịch quảng bá với mục tiêu trở thành dịch vụ OTT đầu tiên đạt 2 triệu người dùng. Tuy nhiên, đối thủ đáng gờm nhất của họ lại là Viber và Whatsapp. Đầu tháng 3, Viber tuyên bố đã có 3,5 triệu người dùng Việt Nam còn Whatsapp chưa công bố số liệu.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục