Các nước ASEAN chuẩn bị hội nhập tư pháp

Sáng 1-4, Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (ACJM) lần thứ 4 đã khai mạc tại TPHCM. Đây là hội nghị thường niên do tòa án tối cao các nước ASEAN luân phiên đăng cai tổ chức. Tham dự có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; cùng đoàn chánh án các nước thành viên ASEAN do các chánh án tòa án tối cao dẫn đầu và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh.
Các nước ASEAN chuẩn bị hội nhập tư pháp

Sáng 1-4, Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (ACJM) lần thứ 4 đã khai mạc tại TPHCM. Đây là hội nghị thường niên do tòa án tối cao các nước ASEAN luân phiên đăng cai tổ chức. Tham dự có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; cùng đoàn chánh án các nước thành viên ASEAN do các chánh án tòa án tối cao dẫn đầu và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh.

Hợp tác tư pháp đảm bảo cho hội nhập cộng đồng

Tại lễ khai mạc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, đồng thời là chủ tọa hội nghị phát biểu, ACJM lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN vừa chính thức hình thành vào năm 2015; hội nhập khu vực, dòng đầu tư, thương mại, di cư diễn ra mạnh mẽ. Việc hội nhập và xích lại gần nhau giữa các hệ thống tư pháp và pháp luật trong khu vực, dựa trên các chuẩn mực chung được thừa nhận rộng rãi sẽ giảm bớt chi phí thực thi pháp luật, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân ở các nước ASEAN; tăng cường tính minh bạch và khả năng dự đoán trước của hệ thống tư pháp; củng cố niềm tin của các nhà đầu tư; tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn và cạnh tranh bình đẳng giữa các nước.

Chánh án tòa án 10 nước thành viên ASEAN ký Tuyên bố TPHCM

Được sự thống nhất của chánh án các nước ASEAN, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đưa ra 6 chủ đề trao đổi tại hội nghị gồm: Thể chế hóa hội nghị chánh án ASEAN; Hội nhập ASEAN; Xây dựng cổng thông tin điện tử tòa án ASEAN; Đào tạo tư pháp; Quản lý vụ án và công nghệ thông tin tại tòa án; Tranh chấp gia đình xuyên biên giới.

Những chủ đề này đều phục vụ cho việc phát huy mạnh mẽ tiến trình hội nhập trong và ngoài khối ASEAN. Đó còn là hành lang để giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại quốc tế sẽ gia tăng đáng kể trong môi trường hội nhập.

Tìm cơ chế chung về tống đạt giấy tờ tư pháp

Trong bối cảnh ASEAN ngày càng hội nhập, nhu cầu về một cơ chế tống đạt giấy tờ tư pháp trong nội khối ngày càng bức bách. Việc hướng đến một cơ chế chung đảm bảo hiệu quả hoạt động tống đạt giấy tờ tư pháp là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh Việt Nam và một số nước ASEAN đang xem xét gia nhập Công ước La Hay 1965 về tống đạt giấy tờ tư pháp ra nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, một thỏa thuận chung về vấn đề này nhằm tạo điều kiện để để tòa án các nước thành viên ASEAN tống đạt giấy tờ sang các nước thành viên khác. Hiện trong phạm vi ASEAN, Việt Nam mới chỉ ký kết Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với Lào và Campuchia. Với 8 nước thành viên còn lại, chưa có một thỏa thuận nào làm cơ sở để thực thi hiệu quả việc tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.

Tình hình tranh chấp dân sự gia tăng giữa công dân các nước cũng trở thành vấn đề cấp bách trong bối cảnh các thành viên ASEAN hội nhập sâu rộng hơn trong Cộng đồng ASEAN. Vì vậy, chủ đề “Tranh chấp gia đình xuyên biên giới” nhận được sự quan tâm của đại biểu các nước. Theo đại diện Tòa án tối cao Singapore, những cải thiện trong chính sách về đi lại, nhập cư giữa các nước và quá trình toàn cầu hóa đã dẫn đến việc gia tăng số lượng các cuộc hôn nhân giữa công dân các quốc gia khác nhau trong ASEAN. Khi các cuộc hôn nhân này đổ vỡ, con cái của họ có thể bị bắt buộc rời bỏ đất nước, nơi đứa trẻ được sinh ra hoặc bị tước đi quyền tiếp cận với một bên cha hoặc mẹ trong một thời gian dài. Điều này ảnh hưởng xấu đến lợi ích tổng thể của đứa trẻ đó. Để giải quyết các vấn đề này, theo phía Singapore, trước mắt cần hình thành một mạng lưới thông tin giữa các Thẩm phán ASEAN, trên cơ sở là một Ủy ban về tranh chấp trẻ em xuyên quốc gia.

 Chiều 1-4, ACJM ra tuyên bố chung - Tuyên bố TPHCM với 6 điểm chính gồm: Đổi tên Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (ACJM) lần thứ 4 thành Hội đồng Chánh án ASEAN (CACJ); Đồng thuận về ý chí việc thể chế hóa CACJ nhằm đưa Hội đồng trở thành một thực thể liên kết với ASEAN theo hiến chương ASEAN; Đồng ý thực hiện các bước cần thiết nhằm đảm bảo việc ASEAN công nhận CACJ; Ủy quyền cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam, hiện tại là Chủ tịch của CACJ, đệ trình yêu cầu công nhận CACJ lên ASEAN; Chỉ định đại diện từ hệ thống tòa án mỗi nước để thành lập nhóm nghiên cứu nhằm nghiên cứu các công việc trong thời gian tới của CACJ; Ủy quyền cho Singapore tiếp tục đàm phán để tìm kiếm nguồn tài trợ cho Cổng thông tin điện tử tòa án các nước ASEAN.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục