Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần được Đảng ta nêu ra từ Đại hội VI (1986). Đây là chủ trương, chính sách nhất quán và lâu dài của Đảng. Qua hơn 20 năm đổi mới, thực tiễn chứng minh rằng, đây là một luận điểm, chính sách hoàn toàn phù hợp với yêu cầu khách quan, là quyết sách chiến lược đúng đắn.
Lần này trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định tính khách quan của việc đa dạng hóa các hình thức sở hữu; coi trọng mọi thành phần kinh tế, mọi hình thức kinh doanh và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Tổng kết hơn 20 năm đổi mới, dự thảo đã có những khái quát mới về lý luận: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối”.
Lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng chỉ nêu đa dạng hóa các hình thức sở hữu, không nêu cụ thể có bao nhiêu thành phần kinh tế, tương ứng là bao nhiêu hình thức sở hữu và loại hình sản xuất kinh doanh… Đây là một bước phát triển mới trong quá trình hoàn thiện nhận thức lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã•hội, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa chế độ sở hữu, hình thức sở hữu và loại hình kinh doanh. Mỗi chế độ sở hữu trong thực tiễn lại có thể có nhiều hình thức sở hữu mà ở đó sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất và biểu hiện là các loại hình kinh doanh có hiệu quả cao góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển đa dạng của các hình thức sở hữu là do phát triển của lực lượng sản xuất quy định. Lực lượng sản xuất càng cao, trình độ xã hội hóa càng phát triển, quan hệ sản xuất càng mở rộng thì tính đa dạng trong quan hệ sở hữu càng tăng lên.
Vì vậy, dự thảo chỉ nhấn mạnh: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu”, còn số lượng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và theo đó là bao nhiêu loại hình kinh doanh là do nhu cầu khách quan của sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất quyết định. Đây là một bước tiến nhằm tạo một không gian mở cho quy luật về sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất hoạt động, có thể tránh lặp lại những giáo điều chủ quan trước đây.
Dự thảo cũng đã đưa ra khái quát mới về mặt lý luận: “Tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản thuộc các hình thức sở hữu, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế… Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật”.
Có thể có ý kiến cho rằng, cách tiếp cận nêu trên của dự thảo chưa phù hợp với lý luận của Lênin về thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Chúng ta biết rằng cách nhận thức về thành phần kinh tế của Lênin cũng rất uyển chuyển, linh hoạt phù hợp với các giai đoạn phát triển khác nhau: Giai đoạn áp dụng chính sách cộng sản thời chiến, thành phần kinh tế được nhấn mạnh trên cơ sở quan hệ sở hữu nhất định, nhưng khi chính sách kinh tế mới ra đời, thành phần kinh tế lại được nhấn mạnh đến các hình thức kinh tế.
Như vậy, các giai đoạn khác nhau thì việc tiếp cận nhận thức về thành phần kinh tế cũng có sự thay đổi, đó là quá trình khách quan phù hợp với quy luật nhận thức. Vì vậy, quá trình đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về các thành phần kinh tế ở nước ta qua các kỳ đại hội của Đảng là hoàn toàn phù hợp với nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin và phù hợp với thực tiễn Việt Nam
NGUYỄN NHÂM
(Viện Chiến lược quân sự, Bộ Quốc phòng)