*2013: Sẽ tạm dừng mở một số ngành đào tạo dư thừa "đầu ra"
(SGGPO).- Sáng nay, 19-12, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học-cao đẳng ngoài công lập đã triệu tập các trường đại học-cao đẳng ngoài công lập để lấy ý kiến gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác tuyển sinh.
Đa số các trường đại học-cao đẳng ngoài công lập tiếp tục có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo 2 phương án: bỏ điểm sàn vào đại học-cao đẳng; hoặc có 2 điểm sàn (1 điểm sàn vào trường công lập, 1 điểm sàn vào trường ngoài công lập).
Đây không phải là lần đầu tiên Hiệp hội có kiến nghị này. Những kiến nghị tương tự đã được Hiệp hội nêu ra từ năm 2010, mục đích là để các trường ngoài công lập tuyển sinh dễ thở hơn. Tuy nhiên, sau nhiều lần, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều không đồng ý với kiến nghị này của Hiệp hội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Luật Giáo dục đã quy định bằng cấp giữa trường đại học công lập và dân lập có giá trị như nhau nên không thể mỗi trường đại học lại có mức điểm sàn khác nhau, vì Luật Giáo dục đã quy định bằng cấp giữa trường đại học công lập và dân lập có giá trị như nhau. Mặc dù có điểm sàn, nhưng điểm chuẩn vào các trường khác nhau, điểm chuẩn thể hiện đẳng cấp, uy tín của từng trường. Các trường ở vùng miền khó khăn được ưu tiên áp dụng cơ chế tuyển sinh đặc thù. Điểm sàn theo Bộ Giáo dục và Đào tạo là ngưỡng để xác định trình độ tối thiểu của người học đại học-cao đẳng.
Trước đó, chiều 18-12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp về công tác thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán.
Hiện các Bộ, ngành đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực phù hợp hơn với ngành mình. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có khuyến cáo về những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu lớn. Đồng thời, từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này.
Theo kế hoạch trong năm 2013, để đào tạo nhân lực theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 1.400 chỉ tiêu cho một số cơ sở giáo dục để đào tạo cán bộ nguồn cho cán bộ tỉnh/thành phố của khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trên cơ sở kết quả triển khai năm 2012, Bộ sẽ sơ kết đánh giá việc thực hiện tại các khuc vực này để rút kinh nghiệm và triển khai cho các năm tiếp theo.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, qua rà soát nhu cầu nhân lực cả nước, Bộ đã xác định được trong giai đoạn 2011-2015, mỗi năm cần phải bổ sung khoảng 1,86 triệu lao động đã qua đào tạo nghề; giai đoạn 2016-2020 bổ sung khoảng 2,18 triệu lao động.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao trong tháng 6-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình đề án giải quyết việc làm cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Đồng thời, đề xuất cơ chế để các trường chủ động tuyển sinh phù hợp.
PHAN THẢO