Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người, khi giai cấp công nhân và nông dân lần đầu tiên làm chủ vận mệnh bằng chính sức mạnh của mình. Nhờ ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga mà Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã tìm thấy được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc.
Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người, khi giai cấp công nhân và nông dân lần đầu tiên làm chủ vận mệnh bằng chính sức mạnh của mình. Nhờ ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga mà Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã tìm thấy được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc.

Khác với chiến tranh, khởi nghĩa bao giờ cũng do lực lượng quần chúng đảm nhận. Về mặt lý luận quân sự, trong tác phẩm Nhà nước và Cách mạng, Lênin chỉ ra rằng: ở nước nào mà giai cấp thống trị dùng bộ máy quân sự - cảnh sát tàn bạo, nghĩa là thực chất dùng những biện pháp khủng bố đối với nhân dân, thì ở đó cách mạng nhất thiết phải dùng hình thức bạo lực như khởi nghĩa vũ trang, nội chiến cách mạng, chiến tranh du kích... để đập tan bạo lực phản cách mạng. Lĩnh hội và vận dụng sáng tạo tư tưởng về cách mạng bạo lực của chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay từ năm 1924, trong Báo cáo với Quốc tế Cộng sản về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: cách mạng Đông Dương phải tiến hành khởi nghĩa vũ trang “mang tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn”. Và nó phải được “chuẩn bị trong quần chúng, nổ ra trong thành phố, theo kiểu các cuộc cách mạng châu Âu, chứ không phải nổ ra đột ngột ở biên giới Trung Quốc, theo phương pháp của những nhà cách mạng trước đây”. Trong tác phẩm Con đường giải phóng viết lại những bài giảng dùng cho lớp huấn luyện cán bộ đầu năm 1941, Người định nghĩa: “Khởi nghĩa vũ trang là nhân dân nổi dậy dùng vũ khí đánh đuổi quân cướp nước đoạt lại chính quyền”. Như vậy, khởi nghĩa vũ trang là bước phát triển cao nhất của phong trào cách mạng quần chúng. Cách mạng Tháng Mười (1917) và Cách mạng Tháng Tám (1945) đều là những điển hình mẫu mực về nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Ở Việt Nam, trước Cách mạng Tháng Tám, nhân dânViệt Nam sống dưới hai tầng áp bức của đế quốc Pháp và phát xít Nhật. Sau khi Nhật nhảy vào Đông Dương (tháng 9-1940), đã nhanh chóng câu kết với Pháp để thống trị nước ta. Nhân dân ta phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Trước tình hình trên, tại Hội nghị lần thứ tám  Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Pác Bó, Cao Bằng (tháng 5-1941), Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương thay đổi chiến lược cách mạng và được hội nghị nhất trí thông qua.

Theo đó, cuộc cách mạng của nhân dân ta lúc này là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhằm giải quyết một vấn đề cần kíp là đánh đổ đế quốc và tay sai, giành độc lập dân tộc. Đồng thời, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Quá trình chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng còn được khẳng định thêm từ sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương ngày 9-3-1945. Từ đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định kẻ thù chính và duy nhất của nhân dân ta từ ngày 9-3-1945 trở đi là phát xít Nhật, phải tập trung mũi nhọn đấu tranh vào Nhật để tiến lên giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Tám (1945) của Việt Nam đã diễn ra với khẩu hiệu bao trùm là “Phản đối xâm lược! Hoàn toàn độc lập! Chính quyền nhân dân!”, mang đầy đủ tính chất và nhiệm vụ của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám và Cách mạng Tháng Mười đều là những cuộc cách mạng có tính chất nhân dân sâu sắc, là sự nổi dậy của đông đảo quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của chính đảng cách mạng. Tuy nhiên, ngoài những điểm tương đồng vẫn có sự khác biệt căn bản trong thành phần lực lượng: đạo quân chính trị của Cách mạng Tháng Mười là công, nông, binh với khẩu hiệu “công, nông, binh liên hiệp”; còn đạo quân chính trị của Cách mạng Tháng Tám thì có sự mở rộng về mặt thành phần, với hạt nhân là Mặt trận Việt Minh, quy tụ được tất cả các giai tầng yêu nước trong xã hội, không phân biệt giàu - nghèo, sang - hèn, già - trẻ, gái - trai, dân tộc hay tôn giáo...

Về mặt phương pháp cách mạng, cả Cách mạng Tháng Mười và Cách mạng Tháng Tám cùng sử dụng bạo lực cách mạng. Nếu trong Cách mạng Tháng Mười, Lênin dựa vào lực lượng vũ trang là chủ yếu thì ở Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những sáng tạo độc đáo trên cơ sở kế thừa và phát huy bài học của Cách mạng Tháng Mười. Bác Hồ cùng Trung ương Đảng đã tích cực chuẩn bị lực lượng vũ trang, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, các đội du kích, đội tự vệ và tự vệ chiến đấu nhưng khi thời cơ chín muồi, Người đã chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa với lực lượng chính trị của toàn dân, lấy các lực lượng vũ trang làm chỗ dựa; phát huy tính chủ động sáng tạo của từng địa phương và nhanh chóng kết thúc khởi nghĩa, giành trọn chính quyền trong cả nước.

Về địa bàn của cách mạng, khởi nghĩa vũ trang trong Cách mạng Tháng Mười diễn ra theo chiều hướng từ thành thị tỏa về nông thôn, lấy thắng lợi ở trung tâm lớn làm động lực để thúc đẩy khởi nghĩa đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đối với Việt Nam, Đảng chủ trương chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, dựa vào nông thôn để xây dựng căn cứ chủ yếu và đội quân chủ lực của cách mạng, kết hợp phong trào nông thôn với phong trào thành thị để khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hơn thế nữa, Cách mạng Tháng Mười và Lênin còn đem lại cho Việt Nam những bài học vô giá về khoa học lý luận quân sự, đặc biệt là vấn đề tập hợp lực lượng và nghệ thuật tiến hành khởi nghĩa vũ trang đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Sức sống bất diệt của Cách mạng Tháng Mười là những kinh nghiệm đó được nghiên cứu, vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh của Việt Nam.

Gần một thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới, đặc biệt là với cách mạng Việt Nam. Mặc dù con đường đi có khác nhau, song Cách mạng Tháng Tám Việt Nam đã gặp Cách mạng Tháng Mười Nga ở mục đích cuối cùng là thiết lập nền dân chủ, tự do, hạnh phúc cho nhân dân lao động. Thực tiễn cách mạng Việt Nam, dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng từ Cách mạng Tháng Tám đến nay đã chứng minh sự đúng đắn và sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà Cách mạng Tháng Mười Nga là ngọn cờ khởi đầu vĩ đại và bất diệt.

PGS-TS Vũ Quang Vinh
(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)


Ngôi nhà Nga ở TPHCM

Trong suốt quá trình hoạt động, từ trước những năm 1991 - thời Liên bang Xô viết, Hội Hữu nghị Việt - Xô, sau này là Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga TPHCM luôn là ngôi nhà Nga cho các thế hệ cựu du học sinh Việt Nam trở về ôn lại những kỷ niệm, nhắc nhớ nhau về một thời đẹp nhất được học tập, trưởng thành trên đất nước Liên Xô - Liên bang Nga tươi đẹp, qua đó thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Nga ngày càng phát triển.

Một tiết mục văn nghệ trong chương trình giao lưu văn hóa Việt - Nga năm 2016 được tổ chức tại TPHCM

Cầu nối tình hữu nghị Việt - Nga

Ông Lê Hưng Quốc, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM, là một trong những du học sinh thế hệ thứ ba (sau năm 1975) đã từng sinh sống, học tập tại Nga, khi nhắc đến kỷ niệm về nước Nga và những người bạn Nga đã hào hứng nói: “Nói đến nước Nga tươi đẹp, con người Nga nhân hậu, thủy chung là mỗi chúng tôi như trào dâng tình cảm khó tả, như được sống lại những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời mình, đã có những ngày tháng, những kỷ niệm đẹp trên đất nước Nga vĩ đại, tươi đẹp…”. Đó là những điều mà theo ông Quốc đã trở thành sức mạnh vô hình và mục đích, định hướng trong các nội dung sinh hoạt nhằm tập hợp, thu hút các thế hệ du học sinh tham gia vào Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga TPHCM. Dù đi đâu, ở đâu, làm gì, cứ vào các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của Liên Xô - nước Nga là anh chị em ở khắp nơi lại trở về cùng bên nhau ôn lại kỷ niệm xưa và góp sức với những việc làm nghĩa tình, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Nga, với những người bạn Nga đã sát cánh, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong hai cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Với ông Hoàng Minh Nhân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga TPHCM, người đã có nhiều năm gắn bó với ngôi nhà Nga TPHCM cũng dành nhiều việc làm và tình cảm đặc biệt để như ông nói, vừa là nơi tập hợp, thu hút những người đã từng học tập, công tác ở Liên Xô - nước Nga và cả ở những nước thuộc Liên Xô trước kia, vừa là môi trường, tổ chức duy trì sinh hoạt, giao lưu gắn kết với những người bạn Nga bên đất nước Nga hay đang làm việc, sinh sống ở TPHCM và một số địa phương khác. Ngoài sinh hoạt truyền thống trong các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của nước Nga, Hội còn tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, qua lại thăm hỏi giữa hai nước để các thành viên tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trên một số lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, du lịch với việc tổ chức nhiều đoàn tham quan, giao lưu gặp gỡ giữa những người bạn Nga với các cựu du học sinh Nga tại nước Nga và tại Hà Nội, TPHCM. Cũng theo ông Nhân, những năm gần đây hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga TPHCM còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ của Tổng Lãnh sự quán Nga và các doanh nghiệp, các cơ quan ngoại giao Nga tại TPHCM và một số địa phương. Trong các sinh hoạt và trong dịp tổ chức các ngày lễ trọng đại hàng năm của Liên Xô - nước Nga, nhiều gia đình Nga với các thế hệ cháu con đang làm việc, sinh sống ở Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Nai… và có người tận ở nước Nga xa xôi cũng về dự, càng thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc, hai nước Việt - Nga.  

Rộng mở ngôi nhà Nga

Với những cựu du học sinh Nga các thế hệ, khi nói đến tình cảm với nước Nga, bất cứ ai cũng đều có suy nghĩ, dù nước Nga hôm nay có những thay đổi, nhưng tình cảm, tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Nga và những người bạn Nga thì không bao giờ thay đổi và luôn sâu đậm, nghĩa tình thủy chung. Nhiều năm qua, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga TPHCM luôn có hàng ngàn hội viên ở nhiều địa phương trong cả nước thường xuyên giữ mối liên hệ và tham gia vào các hoạt động văn hóa, hữu nghị được tổ chức hàng năm. Nhiều đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm… đã có nhiều đóng góp, giúp đỡ cho hoạt động của hội. Tất cả, dù ít hay nhiều, những cựu du học sinh Nga và những người đã từng làm việc, sinh sống ở Liên Xô - nước Nga các thời kỳ, đều có những đóng góp thiết thực và là những đại sứ góp phần thắt chặt mối đoàn kết hữu nghị gắn bó đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc Việt - Nga.

Với thế mạnh là nơi tập hợp đội ngũ trí thức, doanh nhân đã từng học tập, sinh sống tại Liên Xô - nước Nga, những năm qua Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga TPHCM còn phối hợp với các sở ngành TP tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Triển lãm “Một số hình ảnh về đất nước Nga” tại NVH Thanh Niên, hội thảo gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam và Nga với chủ đề: “Tiềm năng TPHCM và cơ hội mới từ Nga”, chương trình hòa nhạc “Giai điệu Nga”, cuộc thi viết: “Những kỷ niệm sâu sắc về đất nước Nga, con người Nga” và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật khác, đã làm phong phú thêm cho tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt - Nga. Qua đó, giới thiệu đến đông đảo các tầng lớp nhân dân và các thế hệ du học sinh đã từng học tập, công tác ở Liên Xô, các nước XHCN trước kia và nước Nga sau này hiểu được tình cảm đặc biệt, mối quan hệ hữu nghị hợp tác, gắn bó giữa Việt Nam - Liên Xô - nước Nga đã được bao thế hệ người Việt và người Nga xây dựng, vun đắp bền chặt như ngày nay.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục