“Cách mạng thủy lợi” cho vựa lúa

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, vựa lúa ĐBSCL rơi vào điểm nóng theo cả nghĩa đen lẫn bóng. Nhiệt độ giảm rồi tăng đột ngột. Hạn mặn đến sớm và bủa vây trên diện rộng, làm cho hàng chục ngàn hộ dân rơi vào cảnh khốn đốn: Thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, cây ăn trái, lúa bị khô hạn, mặn xâm nhập gây thiệt hại nặng nề. Rõ ràng, “túi nước ngọt” cung cấp cho vựa lúa, vựa thủy sản, trái cây của cả nước đang chịu những thiệt hại, rủi ro nặng nề từ tác động của biến đổi khí hậu.

“Khô hạn và mặn đến sớm. Hậu Giang lần đầu tiên rơi vào cảnh bị mặn từ biển Đông và biển Tây xâm nhập”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Trần Công Chánh, đưa ra nhận định khi đi thực địa kiểm tra tình hình sau tết. Bến Tre đã công bố tình hình thiên tai, các tỉnh khác như Long An, Kiên Giang, Vĩnh Long… cũng đang xem xét công bố thiên tai về hạn, mặn. Khoảng 40.000ha đất trồng lúa các tỉnh ven biển bị thiệt hại nặng do khô hạn và mặn; khoảng 300.000ha rơi vào diện thiệt hại ở các mức độ khác nhau. Có lẽ đây là con số thống kê thiệt hại khá sớm so với mọi năm. Bởi năm nay khô hạn và mặn đến sớm đạt mức kỷ lục trong 100 năm qua. Sau Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình và chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, các tỉnh trong vùng để tìm cách ứng phó với diễn biến của khô hạn và mặn xâm nhập.

Thực ra, những dự báo khô hạn và mặn đã được cảnh báo. Theo đánh giá của hầu hết các trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới thì El Nino đã chính thức bắt đầu từ những tháng cuối năm 2014 và khoảng 85% khả năng sẽ kéo dài đến hết mùa xuân 2016. Như vậy, ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino 2014-2016 cũng sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua. Năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa mưa đến trễ nhưng lại kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20%-50%. Theo Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ, El Nino sẽ suy yếu nhanh từ tháng 3-2016. Mực nước thượng nguồn sông Mê Công tiếp tục xuống nhanh, đầu nguồn sông Cửu Long, khu vực Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và vùng cửa sông chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và mực nước xuống dần trong thời gian tới. Hiện nay, nước mặn từ biển Đông theo các cửa sông đã lấn sâu vào đất liền 50 - 70km. Nếu như dự báo, mực nước ngọt tiếp tục xuống, nước mặn từ triều biển Đông sẽ tiếp tục lấn vào, những thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thiếu nước sinh hoạt sẽ càng trầm trọng hơn.

Cách đây hơn 3 thập niên, ĐBSCL đã có một cuộc “cách mạng” về thủy lợi, khi huy động tổng lực lực lượng thanh niên làm thủy lợi, đào kênh, xẻ mương, chung tay thực hiện ngọt hóa bán đảo Cà Mau (gồm Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau). Công trình này đã phát huy hiệu quả khi diện tích nhiễm mặn bị đẩy lùi, đất trồng lúa gia tăng. Sau đó, hơn 1 thập niên, ĐBSCL tiếp tục thực hiện cuộc “cách mạng” thủy lợi thứ hai bằng các công trình thoát lũ ra biển Tây để đối phó với lũ từ thượng nguồn sông Mê Công ùn ùn đổ về trong mùa mưa. Cùng lúc này, từ sản xuất lúa 1 vụ/năm, các giống lúa ngắn ngày (dưới 90 ngày/vụ) được ra đời. Nông dân ĐBSCL đã gia tăng diện tích sản xuất lúa, góp phần đưa Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu gạo.

Thế nhưng 10 năm sau đó, ĐBSCL lại đối diện với thách thức mới. Dưới áp lực tìm sinh kế làm giàu, nông dân bán đảo Cà Mau phá bỏ nhiều hệ thống đê ngăn, dẫn nước mặn về đồng nuôi tôm. Nhiều gia đình làm giàu từ con tôm. Nhưng cũng từ đó, sự xung khắc lợi ích giữa người vùng ngọt trồng mặn và người vùng mặn nuôi tôm cũng nảy sinh. Và phần nào, các dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau hết phát huy hiệu quả. Cùng lúc này, các nước thượng nguồn sông Mê Công đua nhau chắn dòng, xây các đập thủy điện, khiến nguồn nước ngọt trở nên khan hiếm. ĐBSCL đứng trước thách thức kép: Thiếu nước ngọt, thừa nước mặn!

Hạn và mặn ở ĐBSCL hiện nay được xác định là thiên tai, trăm năm mới có một lần. Thiên tai lần này được nhận định nghiêm trọng, kéo dài đến giữa năm nên cần tập trung mọi nỗ lực để ứng phó. Chính vì thế, vấn đề đặt ra đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ về tình hình nghiêm trọng hiện nay để chủ động đề ra giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Bên cạnh đó, có bước đi, lộ trình và tầm nhìn dài hạn để xử lý vấn đề như tăng vốn đầu tư; sử dụng ngân sách hiệu quả, kịp thời cho công cuộc chống thiên tai đặc biệt. Mặt khác, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia của toàn bộ nhân dân. Bên cạnh những giải pháp thích ứng trong ngắn hạn, việc tìm giải pháp lâu dài, như cuộc “cách mạng thủy lợi” lần thứ 3 cho ĐBSCL hiện nay là rất cần thiết, nhằm bảo vệ ĐBSCL trước những thách thức của biến đổi khí hậu!

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục