Làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ phát triển trong thời kỳ hội nhập sâu rộng là vấn đề “nóng” được cả cộng đồng dân tộc quan tâm trong thời điểm hiện nay. Dưới đây là những ý kiến đóng góp thẳng thắn của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý...
Ông Vương Đình Huệ, Ông Tô Hoài Nam, Ông Vũ Tiến Lộc, Ông Phạm Đình Đoàn (từ trái qua phải)
Ông VƯƠNG ĐÌNH HUỆ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương:
Hỗ trợ DN phát triển là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Năng lực cạnh tranh quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh và phát triển các loại hình DN, đặc biệt là các DN thuộc khu vực tư nhân, trọng yếu là đối tượng DN vừa và nhỏ và DN khởi nghiệp. Việc hoàn thiện và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hoạt động kinh doanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động của các loại hình DN, mà còn thúc đẩy phân bổ nguồn lực một cách minh bạch, trực tiếp và gián tiếp nâng cao năng suất của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên nền tảng kinh tế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế, cần dựa trên 4 yếu tố: Nỗ lực của Nhà nước; áp lực của hội nhập quốc tế; động lực của DN và Hiệp hội DN; huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển nền kinh tế. Vai trò của Chính phủ, Nhà nước nâng lên thì bản thân các DN cũng phải nâng lên về vấn đề quản trị và sáng tạo phát triển DN. Như vậy thì mọi DN cùng có cơ hội phát triển.
Ông TÔ HOÀI NAM, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ:
Cần chính sách tốt cho DN vừa và nhỏ
Mặc dù khu vực DN vừa và nhỏ đang thể hiện vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng gần đây chưa thoát khỏi khó khăn, có phần đuối sức trong xu thế cạnh tranh gay gắt của hội nhập. Các DN vừa và nhỏ hiện nay cần nhất một chính sách tốt trong môi trường bình đẳng, không lợi dụng các mối quan hệ để phát triển. Nếu DN hội nhập bằng năng lực, sáng tạo, bằng sản phẩm, hàng hóa thì Nhà nước phải hội nhập và cạnh tranh bằng cơ chế, chính sách và tinh thần hỗ trợ DN phát triển. Do vậy, theo tôi, nên cho phép cộng đồng DN được phản biện, giám sát và chấm điểm các cơ quan chính quyền và Chính phủ để làm cơ sở đánh giá, cải thiện các chất lượng dịch vụ cũng như làm cơ sở cho việc bổ nhiệm cán bộ.
Ông VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Chi phí phi chính thức cao khiến doanh nghiệp không lớn được
Chi phí chính thức cao, rồi chi phí phi chính thức càng cao hơn là một trong những nguyên nhân khiến DN không thể lớn được. Nhắc đến các chỉ số như thời gian thông quan, thời gian nộp thuế của Việt Nam còn cao hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói đến thế giới. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể lấy những mô hình tốt của thế giới để thực hiện giúp DN có thủ tục hành chính, thời gian thực hiện các thủ tục như thông quan ngang bằng các nước.
Mặt khác, Việt Nam cần tận dụng tốt thời cơ khi gia nhập TPP. Cần phải có làn sóng cải cách thể chế mới làm bệ đỡ cho làn sóng đầu tư và phát triển DN mới. Thể chế kinh tế của Việt Nam là thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập là động lực cho kinh tế phát triển. Chỉ cần thể chế tốt, bệ đỡ tốt thì DN sẽ phát triển, kinh tế Việt Nam sẽ nằm trong tốp đầu của ASEAN về môi trường kinh doanh. Chúng ta phải cố gắng để chất lượng thể chế tốt hơn. Từ đó, DN sẽ chuyển động và sẽ có làn sóng đầu tư của thế giới vào Việt Nam. Để làm được điều đó, Chính phủ cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và có chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ.
Ông PHẠM ĐÌNH ĐOÀN, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái:
Các kiểu thân tín, ưu đãi ngầm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh
Tôi cho rằng chúng ta cần cảnh báo tình trạng DN “thương mại hóa quan hệ với Nhà nước” để có một số những ưu đãi ngầm. Điều này khiến các lợi ích kinh tế chỉ đạt được nhờ quan hệ “thân tín” với cơ quan công quyền, chứ không phải từ năng lực và nỗ lực của DN. Điều đó cũng tạo sự bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam phải nhìn nhận được những thay đổi và chuyển dịch của môi trường bên ngoài mà mình phải đối mặt. Trong đó, một số thay đổi và chuyển dịch trong khu vực và trên thế giới sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam phát triển. Do vậy, chúng ta cần thay đổi để tận dụng các cơ hội.
HÀN NI