Sau hội nghị “Đối thoại với DN về chính sách hải quan và thuế” tại Hà Nội, hôm qua 23-6-2010, tại TPHCM, Bộ Tài chính đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tiếp cuộc đối thoại với các DN khu vực phía Nam.
Trên thực tế, thuế suất chung đã hạ từ 28% xuống 25%. DN được chủ động tăng mức khấu hao đến 2 lần để nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư, đổi mới công nghệ; được chủ động dùng đến 10% thu nhập trước thuế để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu và phát triển của DN.
Thế nhưng, trong những trường hợp cụ thể, DN vẫn rơi vào nhiều tình huống lao đao. Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Tổng giám đốc Công ty Mercedes Benz Việt Nam, trong tháng 9 và 10-2009, công ty nhập về 2 xe mới, đã được thông qua hải quan và thuế và đã bán cho khách hàng. Tuy nhiên, đến tháng 3-2010, Tổng cục Hải quan lại gửi văn bản yêu cầu tính lại trị giá của 2 xe này, truy thu thuế phải nộp khoảng 2 tỷ đồng, buộc lòng DN phải nộp nếu không muốn bị phạt nặng.
Về những vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, ông Nguyễn Hà Phương, đại diện Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), đóng góp: Theo Thông tư 49 của Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ đầu tháng 6-2010, sẽ vướng ở chỗ khi công ty nhập khẩu máy móc sẽ phải… rã ra để tính thuế, vì các cơ quan yêu cầu DN phải tính thuế các linh kiện trong khi DN nhập khẩu máy đồng bộ. Cũng theo ông Phương, ngành thuế và hải quan chưa thực sự phối hợp với nhau để giúp các DN đơn giản hóa thủ tục.
Thí dụ năm 2005 Vinamilk đã xuất khẩu sữa bột cho Iraq, nhưng rồi phía Iraq không thanh toán tiền lô hàng xuất khẩu. DN đã báo cáo vấn đề này với Bộ Tài chính, Bộ đã có văn bản yêu cầu Cục Hải quan TPHCM điều tra xác định DN thực tế đã có xuất khẩu để phối hợp với cơ quan thuế địa phương xét hoàn thuế cho DN. Văn bản được ký từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Bà Trịnh Mỹ Ngọc, Giám đốc Công ty Thương mại Khải Hoàn, bức xúc: “DN tôi nhập khẩu sản phẩm giấy của Nhật Bản tại Hồng Công và đã được Phòng Thương mại Nhật Bản chấp nhận. Thế nhưng khi hàng về đến Việt Nam, Cục Hải quan TPHCM không chấp nhận cho DN được hưởng ưu đãi vì lý do nhập khẩu ở thị trường Hồng Công không được nhận ưu đãi về thuế hàng hóa. Chúng tôi đã làm việc với phía Nhật Bản trên 18 năm, đều được hưởng ưu đãi nhưng không hiểu sao lần này Cục Hải quan TPHCM lại không chấp nhận. Tôi đã phải gõ cửa nhiều nơi hỏi rõ vấn đề nhưng đến đâu cũng được giải đáp là do Cục Hải quan TPHCM sai sót trong vấn đề này”.
Cũng theo bà Ngọc, cần phải có sự hợp lý trong việc đền bù thiệt hại lẫn nhau, DN làm sai sẽ bị Hải quan phạt, trong khi Hải quan làm sai lại để DN phải gánh chịu là không công bằng".
Tất cả các ý kiến của các DN tại cuộc đối thoại đã được ghi nhận và trả lời cụ thể. Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nhận định: “Qua cuộc đối thoại này, cơ quan quản lý và cộng đồng DN đã thẳng thắn trao đổi những vướng mắc. vướng mắc đó có thể thuộc cơ quan quản lý nhà nước, có thể thuộc về mảng chính sách, tổ chức nghề nghiệp; ngược lại cũng có những vướng mắc xuất phát từ phía DN. Qua đây cơ quan quản lý sẽ rà soát lại, thấy những gì chưa phù hợp sẽ kịp thời xử lý trong phạm vi thẩm quyền, những vấn đề vượt khỏi thẩm quyền sẽ chuyển lên các bộ, ngành để có biện pháp giải quyết tốt nhất”.
Đỗ Linh