
Hễ gà bắt đầu gáy canh tư là ông lại lục đục chuẩn bị gô cơm và lùa đàn trâu ra đồng cho ăn vội ít cỏ để bắt đầu một ngày đi cày mới. Cứ hết ngày này qua ngày kia, giờ ngẫm lại cũng ngót gần 40 năm, những luống cày mướn của ông vẫn đều đặn trên cánh đồng. Riết rồi xóm làng đặt cho ông một cái tên trìu mến là “ông Năm cày mướn”. Lặng lẽ với công việc cày mướn, ông lấy nắng mưa, gió sương làm bầu bạn để kiếm tiền lo cho đàn con cả thảy 8 đứa đều vào đại học…
Cơm thiếu, chữ vẫn đủ!

Ông Nguyễn Văn Mia
Đến những ngày lễ tết, ngôi nhà nhỏ của ông Năm Mia (Nguyễn Văn Mia, ở ấp 3, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TPHCM) nhộn nhịp hẳn lên với đàn con cháu trưởng thành về thăm. Anh Sáu, người con trai thứ bảy của ông kéo xềnh xệch chiếc máy bơm gắn ống nhựa về phía giếng, bơm nước để dành cho lũ cháu nghịch ngợm trên thành phố chiều nay sẽ về thăm ông bà. Trong nhà, bà Năm (vợ ông) chuẩn bị mâm cơm chiều.
“Hôm nay có thêm món ngoại lệ của nhà mình là canh chua lá giang. Gọi là món ngoại lệ vì đã lâu không có, chứ khi xưa cả nhà 10 miệng ăn ngày nào cũng ăn canh chua lá giang để trừ cơm - bà Năm nói như nhắc nhở đám cháu - Nhờ cái lá dại này mà nhà mình và cả xã mình không bị chết đói và ba tụi bây mới có công danh sự nghiệp như ngày nay”.
Bà Năm kể, những năm đó, bà “lừa” thằng Đức (anh Nguyễn Văn Đức, hiện là kỹ sư nông nghiệp, công tác tại một công ty chăn nuôi ở quận Thủ Đức), khi đó mới 10 tuổi rằng hôm nay cho các con ăn thêm khoai mì cho có hương vị đồng quê. Đức cố nhưng nuốt không trôi cứ nghèn nghẹn ở cổ, vừa ăn vừa húp nước lá giang lỏng bỏng chua lét, bà Năm an ủi: “Đời ba mày chỉ biết cày ruộng mướn, ngày nào có được chút ít gạo để nấu cơm như vậy là quý hóa lắm rồi”. Những đứa con nheo nhóc của bà Năm nghĩ vậy nên dù bụng có đói thế nào cũng phải ráng đi học để biết chữ.
... Những năm đầu thập niên 1980, kế sinh nhai của vợ chồng ông Năm Mia chỉ là cặp trâu và cái cày được ông nội qua đời để lại. Tài sản chỉ có vậy, nhưng xem ra là có giá trị lớn ở xã. Khi đó vùng đất Thép này mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa nên nghề cày mướn của ông cũng ba chìm bảy nổi. Hai vợ chồng ông cùng đám con nheo nhóc sáng sớm là ra đồng, có việc gì làm chúng cũng làm. Làm ngày không đủ ông tranh thủ làm đêm. Ban đầu, vợ chồng cùng 8 đứa con sống trong căn nhà tranh vách đất. Đến năm 1986, thay bằng căn nhà ván gỗ. Năm 1990 sửa lại thành nhà xây, mái ngói. Ba kiểu nhà kể ra nghe đơn giản vậy nhưng là cả một quá trình dài đăng đẳng bằng nghề cày mướn của ông.
Ông Năm Mia năm nay ngoài 60 tuổi, cuộc đời cày mướn của ông tính ra cũng đã tròm trèm 40 năm. Những giọt mồ hôi đổ xuống luống cày của ông đã đưa 8 người con vào cổng trường cao đẳng và đại học. Tôi hỏi bản thân ông mới học chưa ra khỏi trường làng do chiến tranh ác liệt, nhà lại chạy ăn từng bữa mà sao vẫn nung nấu ý định cho con học tới bờ, tới bến. Ông chất phác: “Tui đâu dám hy vọng chúng nó làm ông nọ bà kia, chỉ mong sao kiếm lấy cái chữ cho nó sáng đầu óc. Ông nội với ba tui vốn là nhà nông, đời này qua đời kia chỉ biết cái cày, con trâu, rồi đến tui cứ lẩn quẩn trong cảnh đói nghèo vì dốt nát. Đời mình thất học thì đời con phải gắng cho học để chúng không đi vào vết đường mòn”.
Cái cày… làm nên công danh
Vào những năm đầu thập niên 1990, khi đồng ruộng tại xã nhà được tăng lên vụ 2, vụ 3 cũng là lúc gánh nặng cho gia đình ông càng chồng chất lên khi bà Năm lâm cơn trọng bệnh. Ngày ấy, vào những đêm trăng sáng, tiếng “dí, thá” lùa trâu cày mướn trong đêm khuya dường như đã không còn xa lạ gì với bà con xã Tân Thạnh Tây này. Làng trên, xóm dưới kêu cày ông đều nhận, cày ruộng cạn hay ruộng sâu ông cũng không nề hà. Khó khăn chồng khó khăn, nhưng ông vẫn cương quyết không cho bất cứ một đứa con nào nghỉ học giữa chừng. “Ngày ấy, mấy đứa con lớn xin nghỉ học, tui cắn răng lắc đầu”, ông Năm nhớ lại.
Ngày ấy, ngay cả lối đi chỉ rộng hơn sải tay trước nhà, ông Năm cũng tận dụng, xẻ dọc lấy một nửa làm vườn trồng khoai mì, khoai lang chống đói. Những đứa con nối nhau vào đại học, cao đẳng… Đứa thì ông gởi nhờ ở nhà dì nó làm ruộng, cấy lúa kiếm cái ăn mà được học hành; đứa thì học xong mấy tháng hè về đi làm phụ hồ, cấy lúa mướn, gặt lúa mướn để chuẩn bị lo học phí cho năm mới. Do được trang bị cái chữ trong môi trường khắc nghiệt, mỗi người con ra trường đều hướng về gia đình, trợ giúp ba mẹ một phần nuôi những đứa em tiếp nối lớn lên được đi học, nhờ vậy ông bà cũng nhàn đi phần nào.
Lâu rồi tôi không gặp ông, giờ ông già đi rất nhiều với mái tóc đã điểm màu sương trắng, đôi mắt quầng sâu hơn. Tôi hỏi: “Ông có thấy mệt mỏi không khi giờ đã ngoài 60 tuổi mà vẫn phải tiếp tục cày mướn, nuôi đứa con út đang học năm thứ tư Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM”. “Ngày xưa đói lên, đói xuống mà tui vẫn còn nuôi được 7 đưa đi học, huống hồ giờ chỉ còn thằng Út”, ông Năm đáp lại gọn lỏn.
Giờ đây, những con đường về Củ Chi đã tráng nhựa phẳng lì nhưng cái tên đất Thép vẫn còn đó, như lời nhắc nhở về quá khứ, về những người sống kham khổ bám đất, bám làng qua các cuộc chiến tranh để sinh ra những người con có ích cho đời. Trong đó có “ông Năm cày mướn”, người mà cái cày, cái bừa, con trâu “ngốn” hết hai phần ba đời người để “mớm” và trang bị cho đàn con từng cái chữ. Nhiều thầy giáo trong ngành giáo dục ở huyện Củ Chi hóm hỉnh nói với tôi rằng: “Nếu cộng thời gian của tất cả các con ông công tác cho ngành giáo dục thì ông đã nhận được chiếc huy chương Vì sự nghiệp giáo dục từ lâu lắm rồi”.
NGUYỄN YÊN LAM