Cái kết có hậu cho câu chuyện “chiếc xe thang”

Hành khách là những người được hưởng lợi nhất từ quyết định mới đây của Cục Hàng không Việt Nam. Sau khi dư luận lên tiếng về vấn đề trễ chuyến của nhiều hãng hàng không mà một trong các nguyên nhân chỉ vì các sân bay không đủ trang thiết bị phục vụ, lãnh đạo ngành đã nhanh chóng đưa ra những sự thay đổi dù nhỏ nhưng mang đến niềm tin lớn cho thị trường.

Hành khách là những người được hưởng lợi nhất từ quyết định mới đây của Cục Hàng không Việt Nam. Sau khi dư luận lên tiếng về vấn đề trễ chuyến của nhiều hãng hàng không mà một trong các nguyên nhân chỉ vì các sân bay không đủ trang thiết bị phục vụ, lãnh đạo ngành đã nhanh chóng đưa ra những sự thay đổi dù nhỏ nhưng mang đến niềm tin lớn cho thị trường.

Đầu tiên là việc lãnh đạo ngành hàng không yêu cầu hai sân bay Vinh (Nghệ An) và Cát Bi (Hải Phòng) phải nhanh chóng đầu tư bổ sung xe thang để phục vụ cho nhu cầu khai thác. Hai sân bay này sẽ được bổ sung mỗi nơi thêm 1 chiếc xe thang cùng nhân lực khai thác và phải báo cáo kết quả trước ngày 26-7 sắp tới.

Đáng nói hơn, sân bay Cát Bi đã có kế hoạch sẽ được mở rộng thành cảng hàng không quốc tế với tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Còn sân bay Vinh tuy chưa có kế hoạch cụ thể nhưng cũng là một ứng viên sẽ được nâng cấp thành cảng quốc tế. Thế nhưng, mãi đến trước khi nảy sinh tranh cãi giữa các hãng hàng không dẫn đến chuyện trễ chuyến vì thiếu xe thang, sân bay Cát Bi mới chỉ có trong tay 2 xe thang để phục vụ hành khách, nghĩa là cùng lúc chỉ phục vụ được 1 máy bay và máy bay thứ 2 sẽ phải chờ ít nhất 30 phút.

Rõ ràng, mua thêm xe thang là chuyện đáng ra phải làm từ lâu, trước cả khi phát sinh vấn đề như trễ chuyến chỉ vì sân bay thiếu phương tiện phục vụ. Dù muộn, quyết định mới đây của lãnh đạo ngành hàng không cũng rất đáng được ủng hộ, thể hiện tinh thần thay đổi tư duy quản lý của lãnh đạo ngành.

Tuy nhiên, đó chưa phải là quyết định đáng chú ý nhất của lãnh đạo ngành hàng không Việt Nam. Không lâu sau khi vụ việc hãng bay nhỏ “nhường” thang cho hãng đến sau (nhiều năm qua, hãng nhỏ vẫn âm thầm đối diện với thực tế này), Cục Hàng không Việt Nam cũng đã chỉ đạo sân bay Cát Bi và công ty dịch vụ phải thay đổi cung cách phục vụ theo hướng “tàu bay đến trước được phục vụ trước, tàu bay đến sau phục vụ sau”.

Câu chuyện “chiếc xe thang và tư duy quản lý” đã kết thúc có hậu tại sân bay Cát Bi, nhưng còn hơn 20 sân bay thương mại khác còn rất nhiều “chiếc xe thang” đang cản trở sự đổi mới của ngành hàng không. Tín hiệu khả quan đầu tiên đã có ở Cát Bi, hành khách và thị trường có quyền hy vọng vào sự phát triển nhanh và lành mạnh của hàng không Việt Nam.

HÒA BÌNH

Còn tình trạng chậm, hủy chuyến bay

Ngày 21-7, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, Tổ Giám sát chậm, hủy chuyến đối với các hãng hàng không vừa có báo cáo kết quả giám sát, trong đó nêu rõ một số tồn tại liên quan đến chất lượng dịch vụ, nguyên nhân có thể gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến tại sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, tại sân bay Nội Bài, các chuyến bay trước 8 giờ sáng chưa được giám sát thường xuyên việc chuẩn bị trước chuyến bay. Việc hãng hàng không phải đổi đường bay vì thời tiết cũng chưa có quy trình giám sát, báo cáo cụ thể. Hộp thư góp ý tại sân bay Nội Bài còn mang tính hình thức, không có giấy, bút. Tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Đà Nẵng, tình trạng khách ùn tắc tại các khu vực làm thủ tục, máy bay mất nhiều thời gian lăn bánh ra đường cất hạ cánh vẫn diễn ra vào giờ cao điểm sáng và chiều. Đặc biệt, tổ giám sát kiến nghị giao Thanh tra hàng không phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Bắc xác minh, đánh giá cụ thể về việc hủy chuyến bay của Vietnam Airlines trong giai đoạn từ 11 đến 17-7 trên đường bay Đồng Hới - Hà Nội do có dấu hiệu dồn chuyến vì lý do thương mại.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục