Cai nghiện cho người nghiện có hộ khẩu TPHCM: “Ăn đong” chính sách

Việc cai nghiện cho người có nơi cư trú đang được thực hiện tổng lực. Tuy nhiên, để đưa người nghiện ma túy có nơi cư trú vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, TPHCM phải đi đường vòng và liên tục phải “ăn đong” chính sách một cách chắp vá, tạm thời. Hàng loạt rào cản lại đến từ chính những quy định pháp luật trong lĩnh vực này, làm đến đâu cũng tắc ở đó.
Cai nghiện cho người nghiện có hộ khẩu TPHCM: “Ăn đong” chính sách

Việc cai nghiện cho người có nơi cư trú đang được thực hiện tổng lực. Tuy nhiên, để đưa người nghiện ma túy có nơi cư trú vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, TPHCM phải đi đường vòng và liên tục phải “ăn đong” chính sách một cách chắp vá, tạm thời. Hàng loạt rào cản lại đến từ chính những quy định pháp luật trong lĩnh vực này, làm đến đâu cũng tắc ở đó.

Làm thì… sai, không làm thì…thua

Con đường đến với cơ sở cai nghiện bắt buộc của người có hộ khẩu TPHCM phải bước qua 6 - 12 tháng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng (theo Nghị định 94/2010). Và sự tắc nghẽn xuất hiện ngay. Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, than: “Từ khi thực hiện Nghị định 94/2010 về tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, thành phố gặp rất nhiều vướng mắc”. Theo quy định, để thực hiện cắt cơn, trạm y tế xã, phường, thị trấn phải có bác sĩ có chuyên môn về cai nghiện và cơ sở vật chất, thiết bị y tế “khủng”: tối thiểu phải có 3 phòng chức năng là phòng khám, cấp cứu (tối thiểu 10m2); phòng lưu bệnh nhân (8m2); phòng thường trực của cán bộ y tế kèm theo phương án bảo vệ chu đáo. Tại TPHCM, 6 năm qua, chưa một trạm y tế xã, phường, thị trấn nào đáp ứng được yêu cầu trên.

Hiện nay, người nghiện ma túy tổng hợp (hàng “đá”) đang tăng mạnh và chưa được nhận diện hết, Công an TPHCM ước tính tỷ lệ sót lọt khoảng 10.000 người (tương đương 60% số người nghiện ma túy đã được thống kê quản lý). Để xác định tình trạng nghiện của người nghiện ma túy, quy định có 2 ngày làm việc. Thế nhưng, 2 ngày là không đủ xác định được có nghiện hay không với người nghiện hàng “đá”, thời gian cần thiết là 3 - 5 ngày. Trong khi đó, tạm giữ hành chính chỉ tối đa 24 giờ, còn chức năng tạm giữ người từ 3 - 5 ngày để xác định tình trạng nghiện thì không một văn bản pháp luật nào cho phép.

Học viên học nghề đan ghế trong cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Vấn đề đau đầu nhất hiện nay của các quận, huyện là tình trạng người nghiện ma túy bỏ trốn khỏi nơi cư trú ngay sau khi nghe phán quyết của tòa án. Khi tòa án quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người bị đề nghị có 3 ngày để kháng nghị, khiếu nại. Trong thời gian này, người bị đề nghị được giao cho gia đình quản lý và họ… đi mất, không chấp hành quyết định của tòa án. Đến nay, tòa án các quận, huyện quyết định đưa 202 người đi cai nghiện bắt buộc thì có tới 47 người chưa thi hành do đã đi khỏi địa phương. Mỗi khi tòa án phán quyết xong, sau 3 ngày, các quận, huyện lại tổ chức xe và người (1 lái xe, 1 chuyên trách, 1 bảo vệ) để đưa, có khi là 1 người nghiện ma túy đến cơ sở cai nghiện bắt buộc ở Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng. Chuyến đi xa hàng trăm kilômét và tốn kém nhiều tiền, lại dễ xảy ra sự cố nguy hiểm, do lúc này người nghiện ma túy chưa được cắt cơn (cắt cơn lần 2 cho lần tái nghiện; cắt cơn lần đầu để cai nghiện tại gia đình, cộng đồng), họ thường vật vã.

Để “chữa cháy”, Sở LĐTB-XH TPHCM vừa đề nghị UBND TP cho phép gửi người bị đề nghị vào cơ sở xã hội, vừa phòng ngừa việc họ đi khỏi nơi cư trú, vừa tiết kiệm chi phí đi lại của các quận, huyện và tổ chức cắt cơn luôn. Về đề nghị này,  Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu trăn trở: “Nếu làm thì… sai luật, còn không làm thì… không giải quyết được tình trạng người nghiện ma túy gia tăng hiện nay”.

Còn nhiều rắc rối

Quy định ngân sách chi một lần tiền thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện đang vừa thừa, vừa thiếu. Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, những trường hợp được hỗ trợ tiền thuốc cắt cơn là người nghèo (có mã số), chính sách có công, người chưa thành niên, người thuộc diện bảo trợ và người khuyết tật… Trên thực tế, người nghiện ma túy ngoài xã hội đa số có hoàn cảnh khó khăn, tiền bạc không còn song cũng không thuộc diện nêu trên để được hỗ trợ. Chủ trương xã hội hóa công tác cai nghiện cũng không trôi chảy bởi người dân, doanh nghiệp không ủng hộ, các cá nhân, đơn vị được vận động đã phàn nàn “họ ăn chơi, chích choác, giờ lại kêu tôi ủng hộ tiền đi cai nghiện”! 

Tình hình càng rối hơn khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (năm 2014). Từ đây, người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định phải áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại phường, xã, thị trấn trong thời gian 3 - 6 tháng. Trong khi trước đó, theo Nghị định 94/2010 (hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống ma túy) thì họ phải cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng từ 6 - 12 tháng. Như vậy, một người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định phải thực hiện hết 2 quyết định trên trong 1 năm! Nếu sau thời gian đó vẫn còn tái nghiện thì mới đưa hồ sơ sang tòa đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Trước vô vàn rào cản như trên, một số “barie” được TPHCM gỡ bằng các giải pháp tạm thời. Cụ thể, để thay nhiệm vụ  cắt cơn, giải độc của trạm y tế xã, phường, thị trấn, thành phố đã cho phép 3 cơ sở xã hội và 2 trung tâm được tiếp nhận cắt cơn, giải độc trong thời gian 15 ngày. Từ năm 2016, ngân sách thành phố hỗ trợ một lần tiền thuốc cắt cơn, giải độc cho người có hộ khẩu TPHCM, tương tự với người không có nơi cư trú ổn định. Và giải pháp cấp bách là cho phép gửi người nghiện ma túy vào cơ sở xã hội ngay sau khi tòa phán quyết. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp trên đều là giải pháp tạm thời nhằm “chữa cháy” những lỗ hổng và rào cản của hệ thống pháp luật, chứ không mang tính ổn định, lâu dài.

Những khó khăn hiện nay chủ yếu do luật còn nhiều bất cập gây ách tắc, chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện rõ ràng. Cách tháo gỡ không đâu khác, ở chính việc sửa đổi các quy định pháp luật.

Đề án quản lý, cắt cơn, giải độc cho người tái nghiện

Trước tình trạng người bị đề nghị bỏ trốn nhiều, TPHCM đang soạn thảo đề án quản lý, cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe cho người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định tại cơ sở xã hội, sau khi có phán quyết của tòa án đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc.

Theo đó, thay vì các quận, huyện tự tổ chức xe và cán bộ đưa người nghiện ma túy đến cơ sở cai nghiện bắt buộc ở xa hàng trăm kilômét, thì trong đề án, TPHCM sẽ chuyển đổi cơ sở xã hội Bình Triệu làm nơi trung chuyển. Người nghiện được đưa vào Bình Triệu để cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe trong vòng 15 ngày. Sau đó, Bình Triệu có xe chuyên dụng đưa từng nhóm các đối tượng đi, vừa đảm bảo an toàn, vừa giảm chi phí và giảm tối đa việc bỏ trốn.

Hiện nay, TPHCM có 22.432 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, gần 12.000 người có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, đến nay mới có 202 người được tòa án quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc, trong đó 47 người đã trốn khỏi địa phương.


Tiếp tục kiến nghị

UBND TPHCM vừa yêu cầu Sở LĐTB-XH TPHCM và các sở, ngành đồng loạt và kiên trì kiến nghị theo ngành dọc, sớm “vá” các lỗ hổng và bỏ các rào cản trong công tác đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đồng thời, soạn thảo một văn bản tổng hợp các kiến nghị để UBND TPHCM sẽ có văn bản chính thức gửi tới Trung ương.

Một số lỗ hổng và rào cản chính cần được sớm xử lý là:  Đề nghị bỏ hình thức quản lý người sau cai nghiện. Hiện nay, Luật sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống ma túy (2008) quy định quản lý người sau cai nghiện, nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính (hiệu lực từ 2014) thì không quy định quản lý người sau cai. Có quy định về trình tự, thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi. Hướng dẫn cụ thể về việc người có quyết định của tòa án áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc mà họ đi khỏi nơi cư trú, thì trong bao lâu được coi là lang thang để xử lý như đối với người không có nơi cư trú ổn định. Đề nghị Bộ Công an có hướng dẫn trình tự, thủ tục tạm giữ người nghiện ma túy trong quá trình xác định tình trạng nghiện ma túy…

Rất nhiều đoàn bộ ngành vào làm việc, vẫn vậy

Rất nhiều đoàn công tác của các bộ - ngành trung ương vào TPHCM làm việc, những kiến nghị này đã được chúng tôi đề đạt. Sửa đổi những vướng mắc trên, nếu không tốn kinh phí thì sửa ngay cho các địa phương làm. Chứ bao nhiêu năm qua và như năm 2016, hết quý 1-2016 không thấy gì, sang quý 2 vẫn chưa thấy gì hết.

Ông HUỲNH THANH KHIẾT
(Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM)

Nghiện, chờ 6 năm sau mới xử lý thì hậu quả thế nào?

Tình hình người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, rất nguy hiểm và diễn biến phức tạp. Vấn đề không rõ là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (chưa thành niên) đã được cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng nhưng vẫn còn nghiện thì trình tự, thủ tục lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như thế nào? Quy định hiện nay trên 18 tuổi mới xử lý, vậy nếu người nghiện ma túy 12 tuổi thì phải đợi… 6 năm sau mới xử lý thì hậu quả thế nào? Người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, thậm chí thường trú ở TPHCM rất nhiều. Những trường hợp này mà nghiện ma túy, cách xử lý ra sao cũng… chưa rõ!

Thượng tá VÕ VĂN TRAI
(Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TPHCM)

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục