Sau hơn nửa năm ra quân đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho thấy, thách thức lớn nhất của TPHCM hiện nay là xu hướng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng và số lượng người nghiện ma túy ngày càng nhiều…
Tội phạm, tệ nạn giảm số vụ
Từ ngày ra quân đấu tranh phòng, chống, kiểm soát ma túy và đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (ngày 5-12-2014) đến nay, TPHCM đã phát hiện hơn 11.200 người có biểu hiện nghi vấn sử dụng ma túy. Qua xét nghiệm, trong số đó có khoảng 7.000 người dương tính với chất ma túy. Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đã ban hành khoảng 3.500 quyết định đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội.
Cũng trong thời gian này, TPHCM phát hiện 820 vụ (1.583 đối tượng) mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy (giảm 11 vụ so với thời gian liền kề). Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, tình hình phạm pháp hình sự được kéo giảm 472 vụ (giảm 20% so với liền kề); các loại án xâm phạm sở hữu tài sản, nhất là án xảy ra nơi công cộng như trộm cắp, cướp giật… đều giảm, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP. Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy tại nơi công cộng được kéo giảm rõ rệt.
Qua điều tra và tổ chức nắm tình hình cho thấy, việc triển khai đợt kiểm tra, lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa có biểu hiện tác động mạnh đến quan hệ cung - cầu; giá mua các loại ma túy không có biến động mạnh. Theo UBND TPHCM, do số đối tượng bị kiểm tra, lập hồ sơ chủ yếu là người lang thang, không nơi cư trú ổn định, đối tượng từ các tỉnh, thành khác, vốn chiếm thị phần cầu không lớn và chủ yếu tiêu thụ ma túy rẻ tiền. Riêng số đối tượng nghiện có địa chỉ cư trú ổn định tại TP vẫn còn nhiều nên vẫn có nguồn cầu tiêu thụ lớn. Và dù TP đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây song vẫn còn nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn nên nguồn cung vẫn ổn định.
Người nghiện “ẩn” và tái nghiện nhiều
Về số người nghiện ma túy, qua thống kê, TP có 19.200 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng gần 34% so với năm 2013 và tăng 103% so với năm 2009. Số người nghiện tại TP gia tăng bình quân 17%/năm. Tuy nhiên, trong số khoảng 3.500 người nghiện ma túy đã đưa vào cơ sở xã hội, chỉ có 30% số người nghiện có thông tin, tài liệu nằm trong đợt rà soát, thống kê. Có đến 70% còn lại là nằm ngoài danh sách thống kê trước đó. Kết quả trên cho thấy, số lượng người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định ngoài cộng đồng còn khá nhiều. Công an TPHCM nhận định, vẫn còn sót lọt trong thống kê người nghiện vào khoảng 50-80% (tức khoảng 10.000 người), tập trung vào người nghiện ma túy tổng hợp.
Cũng liên quan đến sót lọt người nghiện ma túy, TP hiện có hơn 5.700 người nghiện trốn khỏi các cơ sở chữa bệnh. Số đối tượng này hiện chưa kiểm danh, kiểm diện xác định cụ thể tình trạng nghiện; nếu cộng cả số này thì người nghiện trên địa bàn TP là 25.000 người nghiện. Ngoài ra, qua thống kê chưa đầy đủ, TP hiện có gần 1.500 người nghiện, người sau cai nghiện bỏ địa phương đi đâu không rõ mà quận huyện đã lập hồ sơ nhưng chưa quản lý được con người thực tế.
Người cai nghiện ma túy học nghề sửa xe gắn máy tại Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 1 (Đắk Nông).
Công tác cai nghiện mặc dù được chú trọng, đa dạng các hình thức cai nghiện nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là đối với người nghiện ma túy tổng hợp (đã có hậu quả gây án đặc biệt nghiêm trọng do loạn thần) và mức độ tái nghiện còn nhiều. Trong cơ cấu người nghiện ma túy, số tái nghiện là gần 15.000 người, chiếm gần 78% tổng số người nghiện. Có đến 76% là người không có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Về tổ chức cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định trên địa bàn, TPHCM mới chỉ có 537 người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Trước thực trạng người nghiện ma túy cố tình khai nhiều địa chỉ, khai không đúng sự thật để không xác minh được nơi cư trú, UBND TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương hỗ trợ tích cực TPHCM nhanh chóng xác định nơi cư trú của người nghiện ma túy thuộc các tỉnh, thành khác. Đồng thời, cần có biện pháp với người sau cai tái nghiện; có giải pháp với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi mà Luật Xử lý vi phạm hành chính đang bỏ trống.
ĐƯỜNG LOAN