Nói đến giáo dục là nói đến cái tâm - một cái tâm trong sáng, không có sự toan tính đời thường. Những người làm trong ngành giáo dục là những người cống hiến hết mình với sự nghiệp “trồng người”. Có rất nhiều thầy cô được biết đến với cái tâm trong sáng đó, và PGS.TS Trương Ngọc Thục cũng là một điển hình.
Hết mình cho sự nghiệp giáo dục
PGS.TS Trương Ngọc Thục được mọi người biết đến như “mũi tàu” tiên phong cho hoạt động giáo dục chung của đất nước trong suốt thời gian qua. Với cương vị lãnh đạo các Trường Trung học Công nghiệp Thủ Đức, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Cao đẳng Bán công Công nghệ & QTDN, nguyên Chủ tịch HĐQT Trường Cao đẳng Viễn Đông, thầy Trương Ngọc Thục đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Năm 1977, thầy Thục được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường Trung học CN Thủ Đức. Đến năm 1981 – 1984, thầy được bổ nhiệm đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Trường Trung học Công nghiệp Thủ Đức. Cũng trong năm đó, Trường Trung học CN Thủ Đức hợp nhất với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và thầy được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng trường. Đến năm 1992 thầy về tham gia công tác giảng dạy và đảm nhận vai trò Trưởng Khoa Cơ khí của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Năm 1999, đến tuổi về hưu thầy cùng những người bạn tâm huyết góp những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi mua trang thiết bị ở Đức chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ để Bộ Giáo dục cho phép thành lập Trường CĐ Bán công Công nghệ & Quản trị Doanh nghiệp (CTIM).
Từ khi thành lập, thầy cùng các đồng chí trong HĐQT và BGH với cương vị Hiệu trưởng ngay trong thời gian đầu đã đi thuê nhiều cơ sở từ quận 10 sang quận 5, cuối cùng đã xin được thuê đất ở khu vực Phú Mỹ Hưng để xây dựng cơ sở chính thức tại đường Trần Văn Trà, quận 7. Đến năm 2005 trường đã đào tạo hơn 3.000 sinh viên có tay nghề cao cung cấp cho các khu chế xuất, khu công nghiệp, các doanh nghiệp… trên cả nước. Năm 2006, những ý tưởng ấp ủ ngày đêm của thầy về một mô hình đào tạo mới phục vụ theo nhu cầu xã hội và nâng cao tính chịu trách nhiệm đối với xã hội, một mô hình đào tạo không có thứ phẩm và hầu như không ai vào trường mà khi ra trường không có việc làm trong xã hội. Mô hình đào tạo này có sự sàng lọc mạnh mẽ nhưng tất cả thí sinh đều được đào tạo theo khả năng thực của mình, đồng thời ngay khi còn trong nhà trường sinh viên học sinh đều được học và hành đi đôi với nhau, hỗ trợ nhau, nhà trường được tổ chức theo hình thức trường - xưởng thực tập, xưởng sản xuất - công ty phục vụ giảng dạy học tập đan xen nhau để phục vụ cho mục đích giáo dục phi lợi nhuận. Những điều đó đã thôi thúc thầy đứng ra thành lập Trường Tư thục Cao đẳng Viễn Đông. Với chức danh Chủ tịch HĐQT thầy đã cùng hơn 100 CBGVCNV nhà trường từng bước đưa trường đi lên, khẳng định bước đi đầu tiên của việc đào tạo gắn với sử dụng và đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Tâm huyết vì tương lai của thế hệ trẻ
Nay đã ngoài 70 tuổi đời, trên 40 năm tuổi Đảng, thầy đã thôi không làm công tác quản lý nhưng giáo dục vẫn là tâm huyết cả đời. Thầy vẫn thường tâm sự, các trường khi tuyển sinh vào đại học hay cao đẳng thì nên mở rộng đầu vào và thắt chặt đầu ra để đào tạo nhân tài. Các bạn trẻ sẽ được đào tạo bằng con đường đại học, cao đẳng nghề hoặc trung cấp nghề…, ra trường cũng sẽ được giới thiệu nhiều việc làm ổn định. thầy cũng mong mỏi nhà nước có thể tập trung xây các trường phổ thông chuyên để đào tạo chuyên ngành, những ngành trọng điểm để có thể đào tạo những nhà nghiên cứu. Theo Thầy, thầy làm giáo dục không vì mục đích kinh doanh, đầu tư cho giáo dục chính là “bệ phóng” giúp những ý tưởng của thầy cho công tác giảng dạy được trọn vẹn hơn. Ngoài ra thầy còn là thành viên Hội đồng thẩm định các đề tài nghiên cứu KH chuyên ngành cấp Nhà nước, cấp thành phố, cấp Đại học Quốc gia, cấp trường…
Hiện nay thầy vẫn đang tham gia giảng dạy Cao học ở một số trường, hướng dẫn những nghiên cứu sinh và cũng có tham gia trong Hội đồng xét chức danh GS-PGS của khối ngành cơ khí Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Đồng thời thầy cũng thành lập một Quỹ khuyến học, khuyến tài mang tên người cha kính yêu của thầy (Quỹ Trương Ngọc Bút) - người đã hy sinh vì cách mạng giải phóng dân tộc từ năm 1957, người vừa được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Quỹ khuyến học này giúp cho những con em ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện vào học các trường Cao đẳng, Đại học và có điều kiện cống hiến sức lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với tâm huyết của mình PGS.TS Trương Ngọc Thục đã cống hiến toàn bộ trí tuệ, sức lực, tài sản và đặc biệt là trái tim của thầy luôn tràn đầy nhiệt huyết cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Cái tâm của thầy là tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo.
NGỌC HÂN