Cải thiện hành vi tiêu dùng giúp cải thiện chất lượng môi trường

Cải thiện hành vi tiêu dùng giúp cải thiện chất lượng môi trường

Trong thời gian gần đây, vấn nạn ô nhiễm môi trường được đem ra phân tích và mổ xẻ khá nhiều. Nguyên nhân để lý giải cho thực trạng trên được đề cập đến đầu tiên là doanh nghiệp sản xuất không xử lý chất thải, kế đến là quản lý yếu kém… Tuy nhiên, rất ít người hiểu rằng thực trạng ô nhiễm môi trường còn xuất phát từ hành vi tiêu dùng của chính người dân.

Hành vi tiêu dùng gây ra ô nhiễm…

Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt khẳng định, chỉ đơn giản với một túi nylon thải ra môi trường, cần khoảng 100 năm trở lên để có thể phân hủy hoàn toàn trong đất. Còn với thủy tinh thì tồn tại vĩnh viễn trong môi trường tự nhiên… Ví dụ trên phần nào cho thấy những hành vi tiêu dùng và sử dụng sản phẩm sẽ tạo nên những ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường sống.

Sản phẩm của Vinamilk ngày càng được người tiêu dùng tin dùng.

Sản phẩm của Vinamilk ngày càng được người tiêu dùng tin dùng.

Trên thực tế, hiện chất lượng môi trường sống của nước ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ rõ, hiện nước ta không còn sông nào có chất lượng nước sạch đảm bảo phục vụ cấp nước sinh hoạt. Những sông lớn như sông Hồng, sông Huệ, sông Đáy, sông Đồng Nai đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hoài Đức, Phó chánh văn phòng UB Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai cho biết, chỉ riêng sông Đồng Nai, nhiều đoạn sông hoặc nhánh sông có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động hoặc dân cư đông thì mức độ ô nhiễm cục bộ cao hơn. Chất lượng nước sông khu vực hạ nguồn bị ô nhiễm nặng hơn phía thượng nguồn. Ngoài những yếu tố được xác định dẫn đến thực trạng trên chính là nguồn nước sạch phục vụ hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nông nghiệp không đồng đều giữa các tỉnh thành; nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị chưa được thu gom xử lý triệt để; tồn tại lượng lớn nước thải sản xuất chưa qua xử lý thải thẳng ra sông; chất thải y tế, công nghiệp vẫn chưa được thu gom, xử lý và số nhiều vẫn bị vứt ra sông; tình trạng đã và đang khai thác khoáng sản phía thượng nguồn đang có chiều hướng tác động rất xấu đến chất lượng nguồn nước; diện tích rừng giảm mạnh do các địa phương ưu tiên phát triển kinh tế, phát triển thủy điện; diện tích rừng ngập mặn ven biển đang bị suy giảm nghiêm trọng và cuối cùng sự đa dạng sinh học đang suy kiệt... thì còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó chính là do hành vi tiêu dùng và chuyển giao chất thải của người dân không đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường. Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, cá nhân tôi đánh giá, tình hình ô nhiễm môi trường tại nước ta không hề giảm và có xu hướng tăng về nồng độ và trên diện rộng, không chỉ đánh giá qua số liệu đo đạc mà có thể quan sát trực tiếp khắp các địa phương, đặc biệt là xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các khu đô thị,… Tuy nhiên, để xác định rõ mức độ ô nhiễm hiện đang tác động như thế nào đến sức khỏe người dân thì cần có các điều tra nghiên cứu chi tiết để đưa ra các đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, về logic thì ô nhiễm tăng thì sức khỏe, chất lượng sống của đối tượng phơi nhiễm phải giảm.

Thay đổi thói quen = cải thiện ô nhiễm

Việc phát huy quyền người tiêu dùng theo hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm doanh nghiệp thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường lại có động lực khuyến khích rất lớn những doanh nghiệp thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường. Không dừng lại đó, khi xu hướng tiêu dùng xanh được định hướng rõ trong xã hội thì sẽ tạo nên những động lực hết sức tích cực để điều chỉnh hành vi ứng xử với công tác bảo vệ môi trường của các lãnh đạo doanh nghiệp.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, tại nước ta, thuật ngữ “tiêu dùng Xanh” đã xuất hiện cùng với một số ít các sản phẩm Xanh (như bao bì tự hủy thân thiện môi trường, bóng đèn tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm tái chế,…). Các lợi ích của xu hướng này là đề xướng người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm xanh không bị ô nhiễm hoặc có lợi đối với sức khỏe cá nhân và cộng đồng; hai là chú trọng xử lý chất thải trong quá trình tiêu dùng; ba là hướng dẫn người tiêu dùng thay đổi quan niệm tiêu dùng, bảo vệ thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng... Mở rộng hơn, điều đó sẽ thúc đẩy ngành sản xuất thân thiện môi trường, kích thích sự phát triển và thương mại hóa các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ có mức tiêu thụ carbon thấp, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững hơn. Và đặc biệt là thông qua các hành vi tiêu dùng Xanh sẽ giúp nâng cao nhận thức BVMT chung, cộng đồng sẽ ý thức hơn, và sẽ thực hiện các hành vi BVMT thường xuyên và quy mô hơn. Nhìn xa, hoạt động tiêu dùng Xanh sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho chúng ta và các thế hệ sau, trong khi giảm thiểu những tác hại về mặt môi trường có liên quan. Xuất phát từ những lợi ích đó, UBND TPHCM chỉ đạo thực hiện chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh.

Chiến dịch Tiêu dùng xanh được tổ chức từ năm 2010 và cho đến nay đã được thực hiện 3 lần. Theo đó, Báo SGGP đã phối hợp với Đoàn Thanh niên các trường học, quận huyện để huy động các bạn đoàn viên thực hiện phát cẩm nang “sản phẩm xanh” đến các hộ gia đình; Vận động các doanh nghiệp được chứng nhận Doanh nghiệp xanh, hệ thống siêu thị Co.opMart đề ra nhiều giải pháp kinh tế để khuyến khích cộng đồng ưu tiên tiêu thụ sản phẩm xanh; Thông tin tuyên truyền về chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh; tổ chức lễ phát động chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh; vận động đoàn viên thanh niên tham gia hưởng ứng chương trình. Riêng Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, kích cầu người tiêu dùng thực hiện tiêu dùng xanh. Cụ thể như: giảm giá sản phẩm xanh; khách hàng mua hóa đơn 200 ngàn đồng trở lên có một hoặc nhiều sản phẩm xanh được tặng coupon tiêu dùng xanh mệnh giá 10.000 đồng; vận động người tiêu dùng sử dụng túi thân thiện môi trường; Phát hành cẩm nang “sản phẩm xanh” đến tất cả các khách hàng thành viên của Co.opMart cũng như khách hàng đến mua hàng tại hệ thống siêu thị Co.opMart. Đặc biệt, Saigon Co.op còn hỗ trợ vị trí cho doanh nghiệp xanh như trưng bày riêng cho các sản phẩm xanh, trang trí khu vực trưng bày... Sau 3 lần tổ chức, chương trình thu hút được sự tham gia tình nguyện của hơn 9.000 đoàn viên, sinh viên. Hơn 1 triệu người dân cam kết ưu tiên tiêu dùng xanh. Thống kê sức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp xanh tại các hệ thống siêu thị Co.op trong tháng diễn ra chiến dịch tiêu dùng xanh đã tăng 40%-60% so với ngày bình thường. Điều này cho thấy, bước đầu chiến dịch tiêu dùng xanh đã và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Do vậy, để phát huy kết quả đạt được, đảm bảo mục tiêu phát triển của thành phố là nhanh và bền vững, Ban tổ chức chương trình kính trình lãnh đạo UBND TP kế hoạc tổ chức phát động chiến dịch Tiêu dùng xanh lần 4-2013 và sẽ được tổ chức vào tháng 5, 6-2013

Ông Khoa khẳng định thêm, việc phát triển tiêu dùng Xanh tại Việt Nam đang đứng trước một thuận lợi lớn về thể chế và chính sách. Chúng ta đã có các chiến lược quốc gia bao hàm nội dung “tiêu dùng Xanh” như: Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có định hướng nghiên cứu áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng, trợ giá các sản phẩm tái chế; hình thành và phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, xanh, sạch, thân thiện môi trường. Đồng thời, vạch ra giải pháp tuyên truyền, vận động xây dựng lối sống thân thiện môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức BVMT, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, các-bon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường. Về phía Nhà nước thực thi chính sách trợ giá, khuyến khích người dân tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, các sản phẩm tái chế nhằm hỗ trợ ngành kinh tế môi trường phát triển... Kế đến, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh của nước ta cũng được phê duyệt. Trong đó đã xác định nhiệm vụ chiến lược thứ ba là Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Và trong 17 giải pháp thực hiện, giải pháp 8 và 13 cũng nêu rõ: Có chính sách ưu đãi đối với nghiên cứu khoa học - công nghệ và phát triển, sản xuất và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm xanh/sinh thái; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh. Tuy nhiên, để xu hướng tiêu dùng Xanh phát triển và đi vào thực tế hơn, cần có các văn bản pháp lý và các chương trình hành động cụ thể hóa và chi tiết hóa các nội dung trong 2 chiến lược trên. Đồng thời đẩy mạnh các nghiên cứu về xây dựng các mô hình tiêu dùng bền vững trong nước. Phát huy tài lực và tính tích cực của các thành phần trong cộng đồng trong việc phát triển tiêu dùng Xanh tại Việt Nam.

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục