Mỗi năm tại nước ta, hơn 3 triệu người mắc các bệnh về hô hấp do hít thở phải không khí ô nhiễm. Trung bình, mỗi người Việt Nam phải mất khoảng hơn 2 triệu đồng/năm để chi cho hoạt động khám chữa bệnh liên quan đến hô hấp - Đó là kết quả nghiên cứu mới nhất mà Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố. Điều đáng nói là tại các địa phương, vấn đề cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí chưa được quan tâm đúng mức.
Ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, số lượng người dân mắc các bệnh về hô hấp do ô nhiễm môi trường tăng nhanh, hiện chiếm khoảng 4% tổng dân số. Tỷ lệ người bị các bệnh đường hô hấp tại những địa phương có trình độ kinh tế phát triển cao như TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng… cao hơn gấp 4-5 lần những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế chậm. Tuy nhiên, tại những tỉnh, thành này, những trang thiết bị cần thiết để kiểm soát chất lượng không khí hiện còn rất thiếu thốn.
Điển hình như tại TPHCM, ông Ngô Thành Đức, Phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường khẳng định, thành phố có 15 trạm quan trắc bán tự động và tự động. Trong đó, 9 trạm quan trắc tự động đã hư hỏng hoàn toàn từ năm 2009, đến nay vẫn chưa được sửa chữa hoặc thay mới. Còn 6 trạm quan trắc bán tự động thì vẫn duy trì. Tuy nhiên, 6 trạm này rải đều trên địa bàn quá rộng, cộng với tần suất đo không được thường xuyên, liên tục nên độ chính xác và tin cậy của thông tin không khả quan. Từ đầu năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tăng cường thêm 2 điểm quan trắc bán tự động. Song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không cải thiện được chất lượng của các thông số ô nhiễm không khí đo đạc được. Mặt khác, dù thông số đo đạc chưa được toàn diện và đầy đủ nhưng tại các điểm đo đạc, hầu hết nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí đều vượt quy chuẩn cho phép.
Tương tự, đại diện Cục kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại rất nhiều tỉnh thành khác, nhất là những tỉnh thành đang có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp đang hoạt động, thực trạng ô nhiễm không khí rất đáng lo ngại. Song các địa phương vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức. Phần lớn các tỉnh thành đều không có trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm soát chất lượng không khí. Tình trạng trên nếu không sớm khắc phục thì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng.
Những tổn hại sức khỏe khó phục hồi
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường mà các tỉnh thành đo được hiện nay chỉ mới tập trung chất lượng hệ thống ven đường giao thông hoặc trong khu dân cư. Còn một nguồn phát thải khí thải độc hại lớn của hàng trăm ngàn nhà máy mà cơ quan chức năng chưa kiểm soát được. Điều đáng lo ngại nhất là diễn biến của ô nhiễm không khí lên sức khỏe con người thường diễn biến âm thầm. Người dân thường ngộ nhận đó là những bệnh thông thường do thay đổi thời tiết. Đến khi bệnh trở nặng thì ảnh hưởng lớn đến kinh tế của gia đình. Bệnh tình nhẹ hơn cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Để cải thiện chất lượng không khí, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn cho biết, cần thiết phải cải thiện chất lượng quản lý môi trường, cải thiện cả về nhân lực lẫn trang thiết bị. Mặt khác, cơ quan chức năng phải sớm ban hành quy định cũng như thông tư hướng dẫn thực xử lý hành vi vi phạm môi trường. Muốn chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp cần chỉ ra được những thông số vượt quy chuẩn cụ thể. Trong khi cán bộ phụ trách môi trường cấp thành phố còn chưa có trang thiết bị đo đạc này để phục vụ công tác quản lý, liệu ở cấp quận huyện lấy “tay không” có bắt được cướp?”.
Không dừng lại đó, bà Tô Thị Hiền, Trường Đại học Tự nhiên TPHCM nhấn mạnh thêm, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phân tích nồng độ chất khí thải tương ứng với từng loại hình sản xuất khác nhau. Từ đó, quy định tiêu chí cụ thể cho từng loại thành phần hóa học, tránh tình trạng quy định và xử phạt chung chung như hiện nay. Có những ngành nghề khói thải màu đen nhưng chưa chắc độc hại bằng khói thải màu trắng. Ngoài ra, về trang thiết bị phục vụ quan trắc chất lượng không khí là cần phải có nếu muốn đề xuất cũng như áp dụng bất kỳ giải pháp cải thiện ô nhiễm không khí nào. Không có thông số đo đạc chính xác cũng đồng nghĩa với việc mọi giải pháp đề xuất đều bị sai lệch. Hơn nữa, cần thắt chặt hơn công tác cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy. Theo đó, những nhà máy khi đầu tư ở một quy mô lớn nhất định phải trang bị hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi đi vào vận hành. Điều này cũng giống như việc buộc các phương tiện tham gia giao thông phải đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 2. Có như vậy mới mong sớm cải thiện mức độ ô nhiễm khí thải hiện nay tại những thành phố lớn.
ÁI VÂN