Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nên cần có các giải pháp cấp bách để thích ứng với biến đổi khí hậu mang tính lâu dài. Các giải pháp ngắn hạn và dài hạn tập trung vào các lĩnh vực bảo vệ nguồn nước, xử lý chất thải, năng lượng và nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
Chất thải sẽ là nguồn tài nguyên nếu được tái chế và sử dụng hợp lý. Thực tế này đã được chứng minh qua việc sản xuất sản phẩm tái chế từ chất thải như phân compost, gạch bùn thải, tấm lợp sinh thái, hạt nhựa, nhiên liệu sinh học từ nhựa thải… Hiện nay, suy nghĩ xem chất thải là thứ bỏ đi đã được thay đổi. Tuy nhiên, sự nhận thức chưa đồng bộ của người dân là nguyên nhân chính khiến cho một lượng lớn chất thải bị lãng phí bằng cách đem chôn lấp.
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị khẳng định, nếu rác thải là nhựa các loại được người dân phân loại thì hoàn toàn có thể tái chế thành nhiên liệu sinh học. Hiện TPHCM đã đầu tư và đang đưa vào vận hành nhà máy này. Tuy nhiên, nhà máy đang rất thiếu nguyên liệu sản xuất do rác thải được phân loại. Tương tự, với nhiều nhà máy đang sản xuất rác thải thành phân compost khác cũng đang gặp tình trạng tương tự vì thiếu rác thải thực phẩm đã được phân loại.
Liên quan đến vấn đề này, theo bà Maria Selin, Phó Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, kinh nghiệm của Chính phủ Thụy Điển cho thấy giáo dục về môi trường nên được thực hiện từ cấp cơ sở. Nghĩa là trẻ em cần sớm được trang bị những kiến thức để bảo vệ môi trường. Trước mắt, chúng ta nên trang bị cho các giáo viên kiến thức về bảo vệ môi trường, từ đó truyền đạt lại cho học sinh. Nếu ngay trong những ngày cắp sách đến trường học sinh đã có ý thức về môi trường thì các em có thể chuyển tải các kiến thức này đến các bậc cha mẹ. Mặt khác, cần thiết phải đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu liên quan đến công nghệ sạch và phát triển bền vững. Thụy Điển có cơ chế khuyến khích sự trao đổi, hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu, giáo dục và các đối tác từ khu vực kinh tế tư nhân. Chẳng hạn khi sinh viên thực hiện nghiên cứu, đề tài thì các doanh nghiệp sẵn sàng trải thảm đỏ mời về làm các chương trình thực tập, nghiên cứu cho doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi do thu thập được nhiều thông tin từ thị trường qua các đợt nghiên cứu.
Đối với thực trạng môi trường ở Việt Nam hiện nay, các nhà quản lý Việt Nam cần đưa ra các giải pháp cấp bách và hiệu quả để hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như có các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường để giúp phát triển bền vững. Ngoài ra, Việt Nam nên tập trung nâng cao khả năng quản lý chất thải với các loại khác nhau, từ chất thải rắn, nước thải, chất thải nông nghiệp và biến những chất thải này thành nguồn năng lượng có ích phục vụ cho cuộc sống. Đây là những giải pháp được cho là có lợi cho cả hai bên vì vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường vừa tạo thêm nguồn năng lượng mới. Điều quan trọng nhất là Chính phủ nên có cơ chế khuyến khích, đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu để tạo ra sự kết hợp giữa các trường đại học và thành phần kinh tế tư nhân để phát triển công nghệ sạch, thân thiện môi trường.
MINH HẢI