Mới đây, đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015” đã “lộ diện” tương đối rõ nét thông qua hội thảo vận dụng kinh nghiệm quốc tế đối với cách làm chương trình, SGK của chúng ta tới đây. Trong đó, thông tin được quan tâm đặc biệt là giáo dục phổ thông sau năm 2015 có thể sẽ có nhiều bộ SGK thay vì độc quyền SGK như hiện nay.
Một hay nhiều bộ SGK vốn là vấn đề gây nhiều tranh luận từ trước tới nay. Nếu như dự kiến của Bộ GD-ĐT về việc có nhiều bộ SGK dựa trên chương trình chuẩn (hướng tới phát triển năng lực học sinh), giáo dục phổ thông sau năm 2015 chắc chắn sẽ có nhiều khác biệt.
Xã hội đã phản ứng rất nhiều với sự tụt hậu, thậm chí là “lạc đường” của chất lượng giáo dục Việt Nam trong những năm qua. Đòi hỏi đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục - đào tạo nước nhà đã trở nên bức thiết. Trong đó, việc thay đổi chương trình, SGK ở hệ giáo dục phổ thông là một trong những yêu cầu cấp thiết.
Rất nhiều người không hài lòng với chương trình, SGK phổ thông hiện nay. Môn nào cũng bị kêu ca, đòi phải đổi mới. GS Phan Huy Lê nhiều lần đề xuất mong mỏi của giới sử học là Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng chỉnh sửa SGK lịch sử, nhằm cải thiện chất lượng dạy học môn Sử càng sớm càng tốt. SGK môn Sử hiện nay trình bày dàn trải, quá nhiều sự kiện, nặng nề, nhàm chán, chưa được cập nhật.
Với môn Văn, cần mạnh tay bỏ nội dung phần tiếng Việt ở chương trình THPT, phần này chỉ nên dạy ở cấp tiểu học, THCS như trước đây. Nhiều người mong muốn dạy văn là để các em học sinh nói đúng, viết đúng và truyền được cho các em tình yêu văn chương. Còn dạy văn hiện nay là dạy văn học sử, tác giả, tác phẩm nào cũng đưa vào SGK, mỗi tác giả dạy một tí, ít khi dạy tác phẩm nguyên bản khiến học sinh tiếp thu kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” hoặc không hiểu, không thấm.
Với môn Sinh học, GS Nguyễn Lân Dũng nhận xét môn Sinh quá ít tiết, SGK các lớp quá mỏng, trong khi quá nhiều nội dung, nhiều chi tiết không cần thiết. Ông có trong tay hơn 70 cuốn SGK môn Sinh của hơn 70 nước trên thế giới và “giật mình” là SGK của Việt Nam không giống nước nào. Rất nhiều kiến thức sinh học ở bậc đại học được “nhét” vào cấp phổ thông. Còn ở phổ thông, SGK sinh học lại “mỏng như lưỡi mèo”, học sinh phải học rất nhiều nhưng nhớ rất ít. Các em không thể nhớ nổi kiến thức về dương xỉ, thần kinh, thằn lằn...
Môn Toán được các chuyên gia đánh giá là môn có nội dung SGK khá ổn nhưng vẫn nặng nề và nhiều kiến thức thừa. GS Văn Như Cương, người viết SGK môn Toán cũng từng nói: Trừ người làm toán, còn học xong ra đời, từ vị lãnh đạo cao nhất đến người bình thường, không ai dùng đến tích phân, vi phân, kể cả các kỹ sư cũng không dùng đến.
Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu (người cùng với GS Hoàng Tụy viết bộ SGK Toán những năm 1950 được đánh giá rất cao) cho rằng, cần làm lại chương trình các môn học, mạnh dạn bỏ những nội dung không thiết thực, xa rời thực tiễn, không phục vụ cuộc sống, thiếu hệ thống trong từng cấp và giữa các cấp, giữa các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như chương trình hiện nay. Ông cũng đề nghị phải huy động được đội ngũ cán bộ, giáo viên thực sự giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm sư phạm để viết SGK, tránh để sai kiến thức, tránh đưa vào những nội dung rườm rà, vô bổ, mâu thuẫn diễn đạt khó hiểu như ở SGK hiện nay.
Như vậy, đổi mới chương trình, SGK cần phải được làm sớm, bài bản, đòi hỏi sự quyết tâm cao nhất, vừa để kịp tiến độ sau năm 2015, vừa bảo đảm có được chương trình, SGK chuẩn nhất. Chúng ta mong có một chương trình không quá tải, không chênh lệch quá với thế giới, không trái thuần phong mỹ tục. Chương trình là cốt yếu, việc thẩm định chương trình phải được một hội đồng thẩm định đủ tầm thực hiện, thậm chí phải để Quốc hội quyết định.
Có ý kiến cho rằng phải để các hội chuyên ngành tham gia xây dựng, thẩm định chương trình. Còn SGK để cho các nhóm tác giả, các nhà xuất bản tham gia. Có nhiều bộ SGK nhưng chọn bộ nào là tùy học sinh, giáo viên, cơ quan quản lý không được áp đặt. Một học sinh có thể mua 2 - 3 bộ SGK. Bộ nào hay sẽ được tái bản, không hay sẽ đóng cửa.
LÂM NGUYÊN