Tìm giải pháp cho nguồn nhiên liệu sạch, dồi dào, giá cả cạnh tranh để thay thế cho nguồn nhiên liệu hóa thạch vốn được coi là bẩn và đang được dự báo sẽ cạn kiệt trong nay mai là chủ đề được tranh luận nóng bỏng tại cuộc Hội thảo “Sử dụng và phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) tại Việt Nam” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT- (Bộ NN& PTNT) và Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công nghiệp (Bộ Công thương) tổ chức sáng 9-12.
Thông tin từ Hội thảo cho biết, theo dự báo của JICA, đến năm 2025, nhu cầu nhiên liệu nói chung của Việt Nam là khoảng 6.700.000 tấn năm. Nếu nhu cầu thay thế khoảng 5% thì chúng ta còn có 397.000 tấn NLSH. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu này, nguồn nguyên liệu cho sản xuất NLSH đang là vấn đề gây tranh luận hiện nay.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có ưu thế phát triển NLSH từ sắn do nguồn nguyên liệu này khá dồi dào trong nước, chi phí đầu vào cạnh tranh hơn so với các nguồn nguyên liệu khác. Nhu cầu sắn cho sản xuất ethanol dự báo đến 2025 có thể lên tới 3 triệu tấn sắn lát/năm. Với nhu cầu này, Việt Nam cần có chiến lược sản xuất NLSH trong đó ưu tiên nguồn nguyên liệu từ sắn.
Trước mắt, cần có sự nhất quán trong chính sách đối với việc trồng, sản xuất và tiêu thụ sắn hiện nay nhằm hạn chế xuất khẩu nguyên liệu sắn thô để ưu tiên cho việc sản xuất NLSH trong nước. Tuy nhiên, các ý kiến tại hội thảo cũng cảnh báo về tác động đối với môi trường của việc chế biến sắn, bên cạnh đó, quy hoạch cho diện tích trồng sắn cả nước chỉ có 400.000ha, vì vậy nếu không tìm cách tăng năng suất, sản lượng sắn thì không có đủ nguyên liệu cho sản xuất và trong tương lai cần tính đến việc sản xuất NLSH từ các nguồn nguyên liệu khác như xenlulo, tảo biển…
Bích Quyên