Cần bàn tay “thần y”

Thanh tra Bộ GTVT vừa phát hiện hàng loạt sai phạm tại một dự án nâng cấp, cải tạo đường ngang do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) làm chủ đầu tư. Trong đó, từ khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán, thẩm định, phê duyệt đơn giá, định mức vật liệu, đấu thầu… đều có vi phạm, dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư dự án.

Một dự án với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng đã được chia nhỏ một cách không cần thiết thành 133 gói thầu. Rồi trong mỗi gói thầu lại có vô số những khuất tất, có những gói thầu có dự toán duyệt đơn giá 6.100 đồng/lít nước xây dựng trong khi giá thị trường chỉ 10 đồng/lít, có những gói thầu khảo sát, thiết kế ngoài phạm vi của dự án gây lãng phí tới 225 triệu đồng… Trong công tác quản lý, có đến 36 người nhận lương kiêm nhiệm 12 tháng, nhiều người nhận lương kiêm nhiệm nhiều tháng ngoài thời điểm thi công dự án... Bộ GTVT đã quy trách nhiệm cho Tổng công ty ĐSVN và các đơn vị liên quan, việc khắc phục hậu quả thế nào cũng đã được chỉ rõ. Tuy nhiên, sự việc này cho thấy những “ung nhọt” trong lòng ngành đường sắt xem ra vẫn còn đó.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, vốn cho duy tu đường sắt hàng năm dao động khoảng từ 1.700 - 2.000 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp kinh tế nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu. Như vậy, có nghĩa là ngành ĐSVN phải rất căn cơ mới có thể duy trì được hoạt động. Thế nhưng, ngay cả nguồn vốn hạn hẹp, ưu tiên cho đảm bảo an toàn đường ngang, vốn gây nhiều bức xúc xã hội vì liên quan đến tính mạng con người, cũng bị bớt xén không thương tiếc. Kết quả là, TNGT đường sắt trong thời gian qua đang tiếp tục gia tăng. Vụ việc này thật ra chỉ là một trong số nhiều vụ bê bối của ngành đường sắt đã được khui ra trong vài năm trở lại đây, ví dụ như lãnh đạo ngành ĐSVN nhận hối lộ của nhà thầu Nhật Bản JTC, lãnh đạo ĐSVN đi đánh golf trong giờ làm việc… Nhưng đáng buồn ở chỗ, nó lại xảy ra vào thời điểm ngành ĐSVN đã bắt đầu công cuộc tái cơ cấu, đang hô hào quyết tâm mổ xẻ những ung nhọt cũ để đổi mới. Nó khiến người ta nghĩ đến một căn bệnh nan y mà ung nhọt dường như đã “di căn” khắp nơi, đến hồi khó chữa và đang cần đến bậc “thần y”. Vậy ai sẽ là “thần y” của ngành đường sắt khi chỉ trong 4 năm trở lại đây, Tổng Công ty ĐSVN đã liên tục thay lãnh đạo cấp cao.

Vào năm 2013, khi được Bộ GTVT bổ nhiệm từ Vụ trưởng Vụ Vận tải sang Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty ĐSVN, ông Trần Ngọc Thành cũng đã có những tuyên bố thể hiện quyết tâm cải tổ ngành, nhưng đến năm 2016, hàng loạt bê bối liên quan đến ông Thành đã lại phát lộ khiến ông phải đệ đơn xin từ chức và nghỉ hưu sớm 4 năm trong sự bẽ bàng. Sau đó, Bộ GTVT đã cử Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phụ trách HĐTV Tổng Công ty ĐSVN. Và khi Thứ trưởng Đông đang có những động thái mạnh mẽ chấn chỉnh ngành thì mới đây, Bộ GTVT lại quyết định bổ nhiệm ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp làm Chủ tịch HĐTV. Việc liên tục thay người đã cho thấy quyết tâm đổi mới của Bộ GTVT nhưng nó cũng phần nào cho thấy sự “bối rối “ của cơ quan chủ quản trong việc tìm “thần y” cho ngành.

Theo TS Phạm Sanh, cải tổ ngành ĐSVN có nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người chứ không phải hạ tầng. Nếu vẫn những con người đó, với tư duy kiểu tiểu nông, chỉ vì những mối lợi nhỏ riêng mình mà bỏ qua lợi ích chung của ngành thì không biết đến bao giờ ngành mới thực sự thoát khỏi cái vỏ ốc trì trệ. Và người dân thì lại tiếp tục cố gắng tin vào những lời hứa của lãnh đạo mới rồi mỏi mòn mong ngóng sự thay da đổi thịt của ngành đường sắt.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục