Cần biện pháp cụ thể chăm lo đời sống người dân

MẠNH HÒA

(SGGP).- Ngày 25-9, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM tổ chức tọa đàm “Những giải pháp thực hiện hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị”. Quyết định 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Quyết định 218-QĐ/TW về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Theo Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, 2 năm qua, thực hiện 2 quyết định trên, TP đã đạt một số kết quả bước đầu, kịp thời phát hiện những sai sót, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Đồng thời, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Thông qua việc thực hiện 2 quyết định trên, không những quyền làm chủ của nhân dân được khẳng định mà còn từng bước khắc phục bệnh “xa dân” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tuy nhiên, hoạt động phản biện của MTTQ và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội chủ yếu là phản ánh, góp ý kiến, kiến nghị về chủ trương, chính sách, pháp luật trong quá trình dự thảo. Trong khi đó, yêu cầu của phản biện xã hội đòi hỏi phải ở mức độ cao hơn, sâu hơn và cần được tổ chức thực hiện một cách khoa học, nghiêm túc. Việc xác định nội dung, hình thức giám sát còn lúng túng. Năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá kết luận trong quá trình giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn nhiều hạn chế.

Để việc giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền bảo đảm đúng thực chất, đạt kết quả tốt trong thời gian tới, theo các đại biểu, trước mắt, tập trung giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải phản biện có trọng tâm, trọng điểm, phải đặt lợi ích của toàn xã hội, của nhân dân lên trên hết.

Theo các đại biểu, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân như: việc làm; đền bù, giải tỏa, thu hồi đất, tái định cư; tệ nạn xã hội; tai nạn giao thông… Cần có những biện pháp cụ thể chăm lo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt hơn. Chỉ có như vậy mới củng cố, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, gắn ý Đảng với lòng dân, mới phát huy được sức mạnh của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.     


MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục