Đau bụng ở trẻ em

Cần chẩn đoán sớm và điều trị đúng

Cần chẩn đoán sớm và điều trị đúng

Đau bụng là cảm giác khó chịu tại bụng, thường gặp trong các bệnh tiêu hóa và một số bệnh của các bộ phận khác. Đau bụng có khi xảy ra từ từ , diễn tiến càng lúc càng tăng, có lúc tạm lắng dịu hoặc nhiều trường hợp xảy ra đột ngột, đau dữ dội làm trẻ tái xanh.

Đau bụng cấp:

Cần chẩn đoán sớm và điều trị đúng ảnh 1

Khám tiêu hóa cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Đau xảy ra do bệnh cấp tính ngoại khoa hay nội khoa như: đau của viêm ruột thừa, dấu hiệu tắc ruột, lồng ruột trẻ em, đau do thủng ruột, đau do viêm tụy cấp, viêm gan cấp, viêm dạ dày - ruột, đau do tắc mạch máu mạc treo, đau do xuất huyết tiêu hóa, ngộ độc thức ăn...

Đau bụng mạn tính:

Đau xảy ra từ từ đôi ba đợt trở lên, có khi vài tuần hoặc một vài tháng xảy ra một lần. Mỗi đợt đau kéo dài nhiều ngày, có khi cả tuần lễ diễn tiến gần như lặp lại giống những lần đau trước. Xen kẽ những đợt đau, trẻ gần như bình thường không có cơn đau nào. Đau dạng này thường do: loét dạ dày tá tràng, nhiễm giun, táo bón, viêm thực quản, hội chứng ruột kích thích…

Những nguyên nhân gây đau bụng cấp thường gặp ở trẻ em:

- Viêm dạ dày - ruột: Trẻ đau bụng nhiều, thường đau vùng trên rốn, đau có tính chất nóng rát, trẻ hay bị sốt, buồn nôn, ói, tiêu chảy, nhu động ruột tăng (sôi bụng).

- Dấu hiệu tắc ruột: Khi bị tắc ruột, trẻ đau bụng từng cơn dữ dội, thường đau vùng quanh rốn, trẻ ói nhiều, bí trung đại tiện, bụng chướng hơi, nhìn bụng trẻ thấy hiện tượng quai ruột nổi cuồn cuộn và di chuyển ở dưới da bụng (dấu hiệu quai ruột nổi) và tăng nhu động ruột.

- Lồng ruột: Hay gặp trẻ nhũ nhi, trẻ khóc từng cơn, hoặc đột ngột khóc thét, ói nhiều lần, ói ra toàn bộ thức ăn, khi diễn tiến nặng tiêu ra máu.Trẻ nhũ nhi do chưa biết nói nên người nhà cần chú ý khi trẻ khóc thường kèm dấu hiệu vặn mình hoặc ưỡn bụng, mệt, tím tái sau mỗi đợt khóc. Nếu chẩn đoán trễ, khi khối lồng đã hoại tử phải phẫu thuật cắt ruột. Khi đến bệnh viện được chẩn đoán sớm, trẻ có thể được tháo lồng bằng hơi, tránh phải mổ; điều này tiết kiệm được chi phí điều trị hay tránh hậu quả của phẫu thuật cắt ruột .

- Viêm ruột thừa: Thường xảy ra ở trẻ trên 5 tuổi, đau bụng tăng dần, đau khu trú ở hố chậu phải, đôi khi kèm theo sốt, môi khô, lưỡi dơ, có thể bị buồn nôn hay ói, tiêu chảy. Bệnh diễn tiến nhanh, cần phải đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, hoại tử ruột, tỉ lệ tử vong cao. Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng sinh vì sẽ làm che giấu hoặc lu mờ các triệu chứng ruột thừa đang bị viêm, gây khó khăn cho việc khám và chẩn đoán.

- Ngộ độc thức ăn: Ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, đau thường xuất hiện sau khi ăn, đau bụng quặn, nôn thốc nôn tháo, trẻ khát nước, mạch nhanh, huyết áp hạ, tiêu chảy nhiều lần, phân nhiều nước thường có nhày máu. Nếu trẻ uống được vẫn cho trẻ uống nước .Cần phải đứa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu.

- Khi đưa trẻ đi bệnh viện người nhà cần nắm rõ một số đặc điểm khi đau bụng của trẻ:

Đau bụng cấp tính ở trẻ em thường có nhiều nguyên nhân, diễn tiến bệnh nhanh, đôi lúc định bệnh khó khăn, nhất là ở các cơ sở y tế còn thiếu phương tiện chẩn đoán. Thân nhân đưa trẻ đi bệnh viện cần biết những đặc điểm bệnh của trẻ như: vị trí đau ở thành bụng, đau quanh rốn hay trên rốn, bên phải hay bên trái (dưới rốn); bắt đầu đau khi nào, có đau lan chỗ nào khác không; thời gian đau: đau trước hay sau khi ăn, đau từng cơn hay đau liên tục, đau dữ dội hay âm ỉ; trẻ có đi tiêu được không, đi tiêu phân như thế nào? phân nước? phân nhày máu? Trước khi đau có ăn thức ăn gì không; khi đau trẻ có tự tìm cách nào đó để bớt đau không? (như trẻ cố nằm yên, trẻ có trăn trở, bứt rứt tìm một tư thế hay vị trí để giảm đau không? như nằm sấp chổng mông, ngồi gập cong lưng hoặc ôm gối để cố giảm đau...).

* Khi trẻ bị đau bụng chưa rõ nguyên nhân, không nên tự ý đi mua thuốc cho trẻ uống, không nên dùng phương pháp xoa hay chườm nóng ở bụng trẻ vì đối với đau bụng cấp động tác này thường không đem lại kết quả giảm đau. Người nhà nhất thiết phải đưa trẻ bị đau bụng đến bệnh viện để được khám, định bệnh nhằm tránh các biến chứng và hậu quả đáng tiếc, nhất là các trường hợp đau bụng cấp cần phải được theo dõi thật sát, can thiệp kịp thời, nếu không diễn tiến bệnh sẽ nặng, tử vong có thể xảy ra.

BS.HẢI NGƯƠN - BS. THANH TRẮC

 

Tin cùng chuyên mục