Bây giờ, không chỉ miền Trung đối mặt với bão lũ mà cả nước cũng xảy ra thiên tai hàng năm. Năm nay bão lũ quần thảo các tỉnh phía Bắc trung tuần tháng 9, đến tháng 10 lũ ập vào ĐBSCL và miền Trung hoành hành đến nay. Người dân miền Trung và ĐBSCL đều thấm thía với lũ, họ đã và đang dần thích nghi cách sống chung với lũ. Ven hạ du các dòng sông dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, hiếm có hộ dân nào sợ lũ. Họ chỉ sợ cuộc mưu sinh khó khăn, khó dành dụm của nả để xây ngôi nhà của mình kiên cố để phòng tránh lũ, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nông dân Quảng Trị với số tiền vài trăm ngàn đồng làm được một lò sấy lúa thủ công, có thể sấy hàng tấn lúa cho bà con chòm xóm khi buộc phải thu hoạch trong mùa mưa lũ. Các cháu học sinh phổ thông Thừa Thiên - Huế phát huy sáng kiến với công trình lọc nước lũ thành nước sạch và đã thành công ngoài mong đợi. Công trình trồng rau trên giá đỡ của Đại học Huế, rồi bếp lửa di động ở Quảng Bình, nhà bè, thuyền 3 ván ở Hà Tĩnh... là những kinh nghiệm chắt lọc lâu đời, nay được ứng dụng thiết thực vào đời sống.
Vấn đề còn lại là cần có chính sách hỗ trợ nhằm phổ biến rộng rãi kinh nghiệm những sáng tạo ấy từ phía chính quyền địa phương các cấp.
Giải pháp phòng chống lũ 4 tại chỗ bao gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ đang phát huy hiệu quả trong quá trình phòng tránh thiên tai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên vẫn chưa đủ. Hầu như tất cả các công trình, dự án phòng chống thiên tai đều chỉ có thể triển khai khi nắng ráo và luôn đặt ra chỉ tiêu hoàn thành trước mùa mưa lũ. Thế nhưng, các hoạt động chống sạt lở núi, bờ sông, ven biển... chỉ xảy ra khi có thiên tai. Suốt trong mùa mưa lũ ấy, hàng trăm bộ đội, lực lượng vũ trang, thanh niên và người dân dầm nước, đội mưa đắp đê, cứu đường, chống sạt lở... Còn mùa nắng ráo thì chẳng thấy công trình nào triển khai vì... ít kinh phí. Rất nhiều công trình hạ tầng lớn khác khi xây dựng có tính đến việc thoát lũ, chống lở nhưng qua một vài mùa mưa lũ đã trở nên bất cập bởi việc tính toán chưa sát thực tế.
Bế tắc nhất có lẽ là các khu tái định cư di dời dân. Qua thống kê, tỉnh nào cũng tồn tại một vấn nạn là các khu tái định cư ấy còn nằm trên giấy đến quá nửa, thậm chí đến 90% chưa triển khai được. Tất cả đều từ một nguyên nhân: thiếu kinh phí. Một số khu tái định cư vùng thấp lũ, sạt lở sông, biển, núi đã hoàn thành, nhưng người dân chê dài, bởi ở đó không có đất sản xuất, vô kế sinh nhai.
Ứng phó, hạn chế thiệt hại thiên tai nhìn từ góc độ vĩ mô, hầu như các ngành chức năng và chính quyền địa phương dường như vẫn nặng tư tưởng “đến hẹn, lại lên”, nặng xử lý sự cố, thiếu xây dựng giải pháp, chiến lược căn cơ để người dân các vùng bị ảnh hưởng có thể sống chung với bất trắc thiên tai.
Tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đặt ra yêu cầu thường trực ứng phó với thiên tai trên phạm vi cả nước. Trước nhất, không chỉ đối phó với bão lũ hàng năm, mà nước ta còn có thể phải đối mặt với động đất, sóng thần, không trừ bất cứ thảm họa nào trong một môi trường đầy biến động, biến cố hiện nay. Vì vậy mỗi cộng đồng đều phải xây dựng phương án ứng phó thiên tai trên mọi cấp độ, tình huống. Đây phải xem là nhiệm vụ trọng điểm quốc gia trong bối cảnh thiên nhiên biến đổi khó lường hiện nay.
Trần Kha