Là một trong 7 vùng kinh tế trong điểm; vựa lúa, cá, tôm, cây ăn trái của quốc gia; được đánh giá giàu tiềm năng nhưng ĐBSCL lại là “vùng trũng” thu hút đầu tư, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), giai đoạn 2006 - 2010, ĐBSCL thu hút 7,61 tỷ USD vốn FDI với 358 dự án, chủ yếu trên lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản; còn lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có kết quả rất hạn chế. Mà đây lại là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bằng châu thổ. ĐBSCL là vựa nông sản cả nước nhưng hạ tầng kỹ thuật lĩnh vực này còn rất khiêm tốn.
Các dự án đầu tư chế biến nông sản công nghệ cao, bảo quản sau thu hoạch gần như vắng bóng. Các địa phương trong vùng đã quy hoạch hàng trăm dự án nông nghiệp mời gọi đầu tư. Thế nhưng, đến nay các dự án này vẫn chưa triển khai do không được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh từ nông thủy sản, tạo nên những thương hiệu Việt trên thương trường nhưng xu thế phát triển chung của toàn vùng kém căn cơ. Sản lượng lúa, tôm, cá, trái cây… cũng như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản tăng nhanh hàng năm nhưng thu nhập, đời sống của người nông dân vẫn còn ở mức thấp.
Việc liên kết cùng phát huy thế mạnh vùng để phát triển đã được đặt ra nhiều năm qua nhưng thực tế vẫn còn rất chung chung, chưa cụ thể liên kết cái gì, phát huy thế mạnh như thế nào?
Việc phối hợp giữa các địa phương trong vùng cũng như với các bộ ngành Trung ương trong xúc tiến đầu tư chưa chặt chẽ. Đến nay vẫn chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện việc liên kết vùng ĐBSCL có hiệu quả. Khuyến khích hình thành tập đoàn, công ty sản xuất hàng hóa nông sản công nghệ cao, quy mô lớn nhưng thiếu sự quy hoạch tổng thể, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đào tạo nguồn nhân lực… nên rất khó kêu gọi đầu tư.
Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương trong vùng nhìn nhận: ĐBSCL rất cần một chiến lược phát triển kinh tế tổng thể trên góc độ vùng. Cụ thể là sự liên kết giữa các địa phương trong hoạch định chính sách phát triển từng lĩnh vực, ngành nghề; xúc tiến kêu gọi đầu tư... Từ đó phát huy sức mạnh lợi thế so sánh, tăng khả năng hội nhập kinh tế, thúc đẩy ĐBSCL bứt phá…
Trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL tổ chức tại Cà Mau mới đây, ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Hợp tác kinh tế quốc tế, cho rằng: “Hiện các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài của các địa phương ở ĐBSCL còn nhỏ lẻ, vụn vặt. Các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào ĐBSCL nhưng người ta phải nhìn thấy được sự thay đổi chính sách và phải có những dự án đủ tầm”.
Theo nhận định của các chuyên gia: Nông nghiệp chất lượng cao sẽ là lực đẩy nâng cao thu nhập đời sống nông dân, vừa thúc đẩy phát triển toàn diện vùng ĐBSCL. Để hiện thực hóa điều này, thay vì phát triển ào ạt các khu, cụm công nghiệp trùng lắp ngành nghề khắp các địa phương mà nên liên kết vùng, hình thành những khu chế xuất chuyên sâu; khu phức hợp sản xuất khép kín có quy mô lớn về lúa gạo, thủy sản, trái cây…
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, khẳng định: “ĐBSCL đang cần cơ chế, chính sách ưu tiên và quan trọng nhất là phải củng cố vững chắc nền tảng liên kết vùng; xây dựng chiến lược, kế hoạch xúc tiến lâu dài”.
HUY PHONG