Thảo luận về dự án luật này, các đại biểu (ĐB) đều chung quan điểm luật phải bảo đảm xây dựng được hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thủy lợi phải do nhà nước và nhân dân cùng làm.
Nhiều ĐB đề nghị cần có quy định cụ thể về khai thác công trình thủy lợi, vận hành chặt chẽ đối với các công trình thủy lợi. Điều này nhằm tránh tình trạng xả lũ không đúng quy trình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như vừa qua nhưng không truy được trách nhiệm của ai. Có ĐB đề nghị cần có chế tài hình sự đối với vi phạm xả lũ gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam), Việt Nam là nước nông nghiệp, “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay nước đang bị thiếu trầm trọng nên cần có chính sách khuyến khích sử dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cảnh báo về tình trạng khô hạn trầm trọng mà vừa qua chúng ta đã phải đối mặt, vì vậy cần có cơ chế để xây dựng những hồ, đập chứa nước để bảo đảm nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. “Những hồ nước trên cao có thể xã hội hóa, đó không chỉ là nơi giữ nước mà còn là nơi tạo cảnh quan đẹp để làm du lịch”, ông Trí nói. Đây cũng là quan điểm của ĐB Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam khi cho rằng, chúng ta cần bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước, hạn chế để xảy ra khô hạn nhưng cũng không để xảy ra úng ngập.
ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) và một số ĐB bày tỏ lo lắng về hoạt động xả nước thải hiện nay, vì vậy đề nghị cần quy định rõ, chặt chẽ về việc xả thải, trong đó có chất phóng xạ ra công trình thủy lợi để bảo đảm an toàn nguồn nước. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng nói, ô nhiễm nguồn nước đã ở mức báo động, nhưng luật không đề cập tới việc bảo vệ nguồn nước ở sông suối, hồ nước, các công trình thủy lợi.
Từ thực tế ở một địa phương vừa trải qua 3 năm khô hạn, người dân rất thiếu nước, cần nước, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đã kiến nghị: luật cần cấm hành vi tự ý mở hồ nước thủy lợi.
Về vấn đề phí thủy lợi, các ĐB cho rằng, trong những năm qua chúng ta thực hiện chính sách thủy lợi phí nhưng việc thu đã rất khó khăn. Nay theo quy định của dự thảo luật chuyển sang thực hiện giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi sẽ tác động lớn đến người dân, đặc biệt là người sản xuất nông nghiệp và tính khả thi không cao. Vì vậy, cần phải có lộ trình để thực hiện chính sách này.
Về thẩm quyền quyết định giá thủy lợi, ĐBQH cho rằng, do sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thuộc loại hàng hóa thiết yếu nên giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi sẽ tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Do vậy, thẩm quyền quyết định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn nên giao cho UBND cấp tỉnh quyết định sau khi được HĐND cùng cấp thông qua trên cơ sở giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Bộ Tài chính quy định.
Về chính sách hỗ trợ phí thủy lợi, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng chỉ nên hỗ trợ cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp.