
Từ tháng 5-2007 đến nay, các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Tuyên Quang vẫn loay hoay với việc họp bàn để tìm giải pháp cứu cây đa Tân Trào (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) khỏi nguy cơ chết dần chết mòn thì mới đây, vào rạng sáng 10-12, lại thêm một cành lớn nữa của cây đa gãy xuống. Cứ đà này, không bao lâu nữa cây đa Tân Trào to lớn sẽ chẳng còn, đồng nghĩa với một di tích lịch sử nổi tiếng quốc gia biến mất…
- “Cái chết lâm sàng” của cây đa lịch sử

Hình ảnh cây đa Tân Trào sau nhiều lần bị cắt, tỉa, đổ gãy, trông xơ xác, tiêu điều.Ảnh: Thanh Lương
Ông Ma Văn Tuấn, 50 tuổi, trưởng thôn Tân Lập, nơi có cây đa Tân Trào và được coi là trung tâm của “thủ đô kháng chiến”, nơi Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ở và làm việc những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, khẳng định: “Khoảng 3g30 sáng 10-12, lại thêm một cành lớn của cây đa bị gãy. Thế là tính từ đầu năm 2007 đến nay, đã có ít nhất 4 cành đa lớn bị gãy”.
Theo ông Tuấn, năm trước, phần bị gãy chỉ là những cành mọc ở trên cao, xa thân lớn. Thế nhưng gần đây, những cành bị gãy nằm ở vị trí phần thân và gốc chính của cây đa.
PV Báo SGGP 12 Giờ đã có mặt để chứng kiến tình trạng “suy sụp” của cây đa Tân Trào. Nằm ngay đầu làng Tân Lập với những mái nhà sàn cổ nguyên sơ, hình ảnh cây đa sum suê cành lá, tỏa bóng mát cả một vùng rộng, đã từng đi vào thơ văn ngày nào giờ chỉ là một cái gốc đa bạc trắng giữa bãi cỏ xanh, bên trên chỏng chơ vài cành cây lớn, lá khô xơ xác.
Anh Hoàng Văn Nhiên, 33 tuổi, cháu của cụ Hoàng Trung Dân, sống trong ngôi nhà sàn nhìn thẳng ra gốc đa, lo lắng nói: “Cây đa Tân Trào là biểu tượng, di tích lịch sử cách mạng ở đây. Nếu cây đa này mất đi, Tân Trào sẽ không còn gì để du khách đến thăm nữa. Không hiểu sao, trước đây cây xanh tươi như vậy mà từ đầu năm đến giờ, cứ khoảng 1 tháng, cây lại rụng mất một cành khá lớn”.
Ông Nguyễn Văn Bế, dân làng Tân Lập, cho biết thêm: “Theo các nhà nghiên cứu, cây đa đã có khoảng 300 năm tuổi. Chừng đó tuổi chưa phải là quá già cỗi. Cây đa ở khu di tích Cổ Loa còn sống tới 1.000 tuổi mới chết. Cách đây 6 tháng, khi phát hiện cây đa có dấu hiệu chết, chúng tôi đã báo với các cơ quan chức năng. Từ đó đến nay, đã có nhiều đoàn cán bộ về đây nghiên cứu rồi họ lại đi…”.
Chúng tôi tìm đến Bảo tàng Tân Trào-ATK có trụ sở nằm cách cây đa chỉ vài trăm mét. Bảo tàng cho biết, ngay sau khi cành cây thứ 4 gãy đổ, nhân viên bảo tàng đã đến thu dọn hiện trường. Trước đó, bảo tàng đã tổ chức cưa, cắt một số cành có biểu hiện bị mục, rỗng, khô, héo. Sau đó họ phải dừng lại, bởi nếu tiếp tục cưa, cắt thì cây sẽ chẳng còn gì ngoài cái gốc! Lý do là không chỉ các cành cây mà phần thân cây cũng đã bắt đầu bị khô, mục, số phận của cây đa đã đến hồi nguy kịch.
- Loay hoay với những cuộc họp…
Ngay từ khi bắt đầu phát hiện cây đa bị chết, Bảo tàng Tân Trào - ATK đã có báo cáo nhanh gửi

UBND tỉnh Tuyên Quang, đề nghị khẩn trương triển khai dự án bảo tồn, phục hồi sinh trưởng cây đa Tân Trào. Ngày 9-12 vừa qua (trước ngày thêm một cành đa gãy đổ), Sở VH-TT Tuyên Quang có văn bản gửi cho Bảo tàng Tân Trào-ATK yêu cầu theo dõi sát sao diễn biến sinh trưởng của cây đa, tổ chức tưới nước thường xuyên trong suốt mùa khô để giữ ẩm đất xung quanh khu vực gốc đa, theo dõi tình hình sâu bệnh...
Mới đây, Viện Khoa học lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã xác nhận: “Cây đa Tân Trào đã bị chết khô. Các thân (mọc thẳng) đã chết hoàn toàn, đa số các cành tham gia vào tán chính đã chết hoặc bị gãy, chỉ còn lại một số ít số cành hướng Tây-Nam và Đông có hiện tượng lá nhỏ, vàng nhạt. Các rễ chính của cây đa hầu hết đã bị hỏng, hiện tại chỉ còn một phần có biểu hiện bên ngoài già cỗi. Không tìm thấy rễ (khí sinh) mới sinh”. |
Sở VH-TT Tuyên Quang cũng đề nghị Sở KH-CN Tuyên Quang khẩn trương hoàn thành phương án chống gãy cành đa. Sở KH-CN Tuyên Quang cho biết, vào ngày 30-11 đã gửi lên UBND tỉnh Tuyên Quang báo cáo về những giải pháp đã làm được trong việc triển khai bảo tồn cây đa. Theo đó, Sở KH-CN Tuyên Quang đã chủ trì, phối hợp với nhiều cơ quan chức năng ở địa phương và trung ương tổ chức hàng chục cuộc họp, rồi gửi văn bản... về việc bảo tồn cây đa Tân Trào…
Nghĩa là, dường như những việc mà các cơ quan chức năng ở Tuyên Quang đã làm được chỉ là… những cuộc họp với những phương án. Trong khi đó, “cái chết” đang gặm nhấm dần cây đa lịch sử mà nguyên nhân ban đầu được xác định, theo ông Ngô Quốc Lập, Giám đốc Bảo tàng Tân Trào-ATK, là do sâu bệnh tàn phá từ nhiều năm nay.
Cho đến thời điểm này, mọi nỗ lực chăm tưới, cắt tỉa, phun thuốc trừ sâu để cứu cây đa Tân Trào là những nỗ lực từ phía Bảo tàng Tân Trào-ATK. Những nỗ lực đó chỉ mang tính tạm thời chứ chưa phải là một dự án, giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện, kiên quyết để cứu di sản.
VĂN PHÚC