Con tôm vốn là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh An Giang. Tuy nhiên, hiện nay, do khó tiếp cận nguồn vốn vay, chi phí đầu vào tăng, chất lượng con giống kém… là những nguyên nhân khiến nhiều hộ ngần ngại với loại vật nuôi từng làm nên những “tỷ phú tôm” nổi tiếng.
Nếu như trước đây, vùng tôm xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn, An Giang) có hơn 70 hộ nuôi tôm càng xanh với diện tích vài trăm héc ta thì hiện nay chỉ còn khoảng 20 hộ, trong khi đa số những hộ còn lại đã chuyển sang trồng lúa.
Từ cầu Đình Phú Hòa rẽ phải vào con đường bê tông khoảng 4 – 5km là đến vùng nuôi tôm Phú Thuận. Chúng tôi ghé thăm trại nuôi tôm của anh Lương Văn Tước với diện tích rộng 10ha. Có 6 ao tôm, anh Tước chỉ thả nuôi trong 4 ao, còn lại thì chờ đến giữa vụ tôm mới tiếp tục thả giống. “Hiện nay lãi suất ngân hàng, giá dầu bơm nước, giá thức ăn… đều tăng nên chi phí nuôi tôm nặng lắm. Phải nuôi theo hình thức cách quãng giữa các ao để thu hoạch “cuốn chiếu”, lấy tiền bán tôm ao này đầu tư cho ao khác”-anh Tước chia sẻ.
Cũng theo lời anh, hiện giá thức ăn cho tôm đã tăng lên mức 25.000 - 30.000 đồng/kg, tiền thuê công nhân chăm sóc tôm cũng tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Anh tính toán: “Để đầu tư 10ha tôm từ lúc thả nuôi đến thu hoạch (hơn 6 tháng) cần nguồn vốn từ 1-1,2 tỷ đồng. Nếu năng suất nuôi đạt trên 1 tấn/ha và giá tôm giữ mức hơn 180.000 đồng/kg (tôm loại 1) mới có lời chứ nếu con giống không đạt chất lượng, dẫn đến mất năng suất thì dễ lỗ lắm”.
Trong khi đó, nếu như những năm trước đây, Chi hội tôm càng xanh Thạnh Lợi (huyện Châu Phú, An Giang) tập hợp được 35 hội viên với diện tích hơn 100ha thì nay đã sụt giảm nhiều. Theo Chi hội trưởng Lê Công Danh, nguyên nhân chính là do chất lượng con giống thiếu ổn định. Theo lời ông, cách nay khoảng 3 – 4 năm, người nuôi tôm ở vùng này đặt mua tôm giống của Trung tâm Giống thủy sản An Giang, bình quân thả 100.000 con giống/ha có thể thu hoạch trên 2 tấn tôm thành phẩm. Từ sau khi Trung tâm không tiếp tục lai tạo, cung cấp tôm giống, người dân phải tự tìm đến các trại giống ở Cần Thơ, Bến Tre, Bạc Liêu… Tuy nhiên, do con giống không đảm bảo chất lượng nên năng suất tôm có khi đạt 1 tấn/ha, có khi sụt giảm xuống còn 500 – 700kg/ha.
“Phần lớn các trại giống khi bán đều nói là giống Trung Quốc, Thái Lan cho năng suất cao nhưng không ai kiểm tra được. Có khi nơi trại giống này bán giống đạt chất lượng một vụ nuôi nhưng vụ sau đến mua lại nuôi không đạt”, ông Danh nói. Quá bức xúc về con giống, thời gian qua đã có lần những hội viên của Chi hội tôm càng xanh Thạnh Lợi đã “đặt hàng” Trung tâm Giống thủy sản An Giang lai tạo hơn 10 triệu con tôm giống và đưa trước tiền cọc. Tuy vậy, đến hẹn Trung tâm vẫn không có tôm giống cung ứng cho họ. Người dân đành phải tự bươn chải đi mua các giống tôm trôi nổi, thả nuôi theo kiểu…“hên xui”.
“Mong mỏi lớn nhất của những người nuôi tôm như chúng tôi là có được nguồn tôm giống có chất lượng ổn định, được cung ứng ngay trong tỉnh, chứ đi xa mua giống mà không biết chất lượng ra sao thì bà con ngán ngại lắm. Trong đó, rất mong Trung tâm Giống thủy sản An Giang tiếp tục nghiên cứu, lai tạo giống tôm như những năm trước để cung ứng cho nông dân. Chúng tôi sẵn sàng trả chi phí mua giống cao hơn những nơi khác nếu con giống đạt chất lượng”- ông Danh nhấn mạnh.
Bên cạnh nhu cầu bức thiết về con giống, người nuôi tôm cũng mong muốn các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh liên kết, đầu tư thức ăn, vốn chăm sóc và thu mua tôm thành phẩm với giá ổn định để họ yên tâm duy trì, mở rộng sản xuất. Nếu có được sự hỗ trợ, đầu tư đúng chỗ, An Giang sẽ giữ được vị thế là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất ĐBSCL. Và con tôm sẽ tiếp tục mang về giá trị xuất khẩu cao cho tỉnh.
NGÔ THỦY