Cần độ mở sáng tạo người học, người dạy

Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) sau năm 2015” đang được Bộ GD-ĐT tích cực xây dựng với định hướng sau năm 2015 sẽ có nhiều khác biệt so với hiện nay; trong đó Bộ GD-ĐT chủ trương bỏ độc quyền sách giáo khoa (SGK). Báo SGGP trao đổi với GS Đinh Quang Báo, Thường trực Ban chỉ đạo đề án, Ủy viên hội đồng quốc gia về giáo dục, một số nội dung liên quan đến đổi mới SGK.
Cần độ mở sáng tạo người học, người dạy

Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) sau năm 2015” đang được Bộ GD-ĐT tích cực xây dựng với định hướng sau năm 2015 sẽ có nhiều khác biệt so với hiện nay; trong đó Bộ GD-ĐT chủ trương bỏ độc quyền sách giáo khoa (SGK). Báo SGGP trao đổi với GS Đinh Quang Báo, Thường trực Ban chỉ đạo đề án, Ủy viên hội đồng quốc gia về giáo dục, một số nội dung liên quan đến đổi mới SGK.

Đổi mới sách giáo khoa sẽ giúp học sinh có nhiều sáng tạo trong học tập. Ảnh: MAI HẢI

Đổi mới sách giáo khoa sẽ giúp học sinh có nhiều sáng tạo trong học tập. Ảnh: MAI HẢI

° Phóng viên:
Thưa GS, đặt vấn đề đổi mới SGK nghĩa là thừa nhận SGK hiện không đáp ứng yêu cầu?

° GS ĐINH QUANG BÁO: SGK hiện nay có một số sai sót nhưng không phải trầm trọng tới mức chúng ta phải có một cuộc đổi mới lớn như thế. Mà SGK sắp tới phải đổi mới phù hợp với quan điểm của chương trình GDPT sau năm 2015. SGK là yếu tố quan trọng để thực hiện các quan điểm chỉ đạo về đổi mới chương trình, chứ SGK không phải tất cả. SGK hiện nay còn nhiều bất cập, ví dụ như chưa tạo thuận lợi để giáo viên dạy và học theo hướng tích hợp. Vì thế SGK phải đổi mới rất căn bản, từ việc hình thành cơ cấu nội dung, cấu trúc nội dung, tích hợp SGK gồm những môn học giống nhau… Làm điều ấy không dễ. Tới đây, tác giả làm SGK sẽ được tập huấn để quán triệt nguyên tắc quan điểm đổi mới chương trình, cách dạy và học tích hợp để viết sách đúng yêu cầu, nhà biên soạn SGK phải “2 trong 1”, vừa là nhà chuyên môn vừa là nhà sư phạm.
 
° SGK hiện nay quá tải, thiên về thi cử, chưa khai thác được năng lực học sinh?

° SGK hiện nay bị cho là quá tải. Theo tôi, quá tải có thể nặng về những kiến thức không thực sự cần thiết, còn kiến thức rất cần thiết lại thiếu. Khi ta dạy cái không cần thiết, không tập trung vào các trọng số lúc đó trở lên quá tải, vì nó thừa, chứ so với yêu cầu phát triển năng lực học sinh, SGK của chúng ta cũng không phải quá tải. Quá tải còn do cách dạy, cách học, thi cử. Cùng một lượng kiến thức quá tải hay không còn do cách “chuyên chở”.
 
° Vậy SGK sau năm 2015 sẽ thay đổi như thế nào?

° Đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015 sẽ theo hướng tích hợp. Sẽ có những chuẩn, vẽ được nhân cách học sinh gồm những phẩm chất nào. Từ những phẩm chất đó, người viết SGK, người dạy, người học sẽ tập trung xung quanh đó để giáo dục, đánh giá. Nội dung đào tạo chỉ là nguyên liệu để làm ra những phẩm chất đó. Vậy xác định thế nào để ra được năng lực học sinh là điều cần phải thay đổi trong biên soạn chương trình. Lúc đó sẽ quyết định có nhiều hay một bộ SGK. Có thể có chương trình chung về chuẩn, về phẩm chất học sinh nhưng cách làm có thể có nhiều cách khác nhau. Tức sẽ có một chương trình quốc gia thống nhất do Bộ GD-ĐT tổ chức, xây dựng thẩm định và ban hành.

Trên cơ sở đó, có thể có một hoặc nhiều bộ SGK khác nhau, hoặc một số quyển SGK khác nhau được biên soạn theo chương trình quốc gia. Do vậy, sẽ có độ mở sáng tạo đối với người viết SGK, người dạy. Giáo viên dạy theo SGK nào, theo phương pháp nào là quyền của họ. Ngành giáo dục sẽ kiểm tra sự sáng tạo đó bằng cách đo học sinh mà giáo viên tác động có đạt tới chuẩn chương trình quy định hay không. Với việc chúng ta thiết kế chương trình theo năng lực học sinh, xu hướng tạo điều kiện để giáo viên sáng tạo tối đa.

° Vậy ai là người viết và ai là người thẩm định SGK?

° Bộ GD-ĐT vẫn chủ trì tổ chức một bộ SGK, bên cạnh đó sẽ động viên, khuyến khích những nhà xuất bản, tác giả khác dựa vào chương trình chuẩn để biên soạn SGK. Ban đầu Bộ GD-ĐT sẽ có một hội đồng thẩm định SGK. Nhưng về lâu dài, hội đồng thẩm định chính xác nhất chính là học trò, thầy giáo, họ là người lựa chọn SGK.
 
° Lâu nay GS Nguyễn Lân Dũng là một trong những người theo đuổi quan điểm có nhiều bộ SGK và cho rằng Bộ GD-ĐT nên để các hội khoa học chuyên ngành (sinh học, văn học, toán học...) viết SGK sẽ sát hơn, đáp ứng yêu cầu hơn. GS suy nghĩ gì về đề xuất đó?

° Cá nhân tôi cho rằng, bộ SGK do Bộ chịu trách nhiệm xuất bản thì giao ai viết là quyền của bộ. Tôi chưa biết Bộ giao cho ai, nhưng chắc chắn tư duy của lãnh đạo Bộ phải chọn những người có kinh nghiệm nhất, trình độ nhất. Dù chọn ai, người viết SGK phải “2 trong 1”, vừa là nhà chuyên môn vừa là nhà sư phạm về lĩnh vực đó. Hiện nay, chúng ta chưa có nhiều tác giả kiểu này nên SGK về mặt nội dung có thể yên tâm nhưng yếu tố sư phạm chưa tốt lắm. Ý kiến của GS Nguyễn Lân Dũng giao các hội khoa học viết SGK là thiện chí có trách nhiệm đối với ngành giáo dục. Tôi tin trước khi viết SGK, Bộ sẽ tập hợp ý kiến của các nhà khoa học đầu ngành, các lĩnh vực chuyên môn. Theo tôi nên mở rộng sáng tạo trong viết SGK.

° Xin cảm ơn GS!

Tin cùng chuyên mục