Tuy nhiên, khi bóng đá Việt Nam có dấu hiệu thay đổi, VFF vẫn không biến chuyển, thậm chí còn tệ hơn, với những chiêu trò hạ thấp giá trị nhau trên các phương tiện truyền thông. Việc vận động tranh cử vốn dĩ là điều bình thường trước các cuộc bầu bán, nay lại trở thành màn đấu đá không chừa bất kỳ thủ đoạn nào.
Điều dễ nhận thấy nhất đó là sự sụt giảm nghiêm trọng chất lượng của các ứng cử viên, hệ quả của một nền bóng đá thừa người nói, thiếu người làm việc đam mê. Tiêu biểu như chiếc ghế Phó chủ tịch tài chính, chỉ duy nhất một ứng cử viên là ông Trần Anh Tú, vốn trước nay chỉ quen thuộc bên mảng bóng đá futsal. Nếu nói bóng đá Việt Nam đang chuyên nghiệp, mỗi năm tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động, thì lẽ ra phải có hàng chục nhà kinh doanh, quản lý bóng đá giỏi mới đúng, tại sao phải đề cử một doanh nhân chuyên quản lý môn futsal vốn chỉ chiếm khoảng 10% tổng ngân sách hoạt động bóng đá?
Nhưng tệ hơn nữa, đó là ở vị trí chủ tịch VFF, người chịu trách nhiệm cao nhất về sự phát triển của một nền bóng đá trong suốt 4 năm. Từ khi VFF được thành lập năm 1989 đến nay, sau 7 nhiệm kỳ, dù cũng có những tranh cãi nhưng ở mỗi nhiệm kỳ đều có một ứng viên nhận được sự thống nhất cao, tạo được ảnh hưởng nhất định đối với các thành viên trong ngôi nhà bóng đá.
Nhưng trước cuộc bầu cử lần này, vị trí chủ tịch có đến 4 ứng cử viên, trong đó có 2 người đã về hưu. Không có doanh nhân thành đạt nào, cũng chẳng ai đang đảm nhiệm chức vụ cao trong bộ máy quản lý nhà nước. Chưa bao giờ VFF lại có cuộc đua tứ mã ở vị trí cao nhất như năm nay. Đáng tiếc là điều này không mang ý nghĩa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội, mà lại thể hiện một sự phân hóa cao, thiếu chất lượng đối với vị trí quan trọng nhất của nền bóng đá.
Trong khi đó, vị trí chủ tịch VFF lại có vô số đòi hỏi khắt khe. Thứ nhất, dứt khoát đó phải là người có Tâm với bóng đá. Chủ tịch VFF luôn chịu áp lực rất lớn, chịu trách nhiệm đầu tiên mỗi khi nền bóng đá gặp khó khăn, bị giới truyền thông “săn đuổi” thường xuyên làm ảnh hưởng đến cả công việc chính của mình, nên nếu không thực sự tâm huyết thì khó có thể đảm trách. Thứ hai, bóng đá là một lĩnh vực rộng lớn, tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống, nên chủ tịch VFF phải là người có khả năng tập hợp được những người giỏi, đồng lòng để cùng làm việc. Lịch sử VFF chỉ ra rằng, ở các nhiệm kỳ mà nền bóng đá hoạt động kém, nội bộ lủng củng, có tình trạng phe phái… thường có nguyên nhân là chủ tịch không đủ uy tín để lãnh đạo hoặc giải quyết những mâu thuẫn. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của FIFA, bộ máy quản lý của VFF hiện rất ít người, cần một vị chủ tịch có năng lực chứ không chỉ ngồi đó để thể hiện quyền lực.
Xét trên những điều kiện ấy, hiện nay VFF cần phải tập trung tìm kiếm một gương mặt nổi bật cho vị trí chủ tịch. Trong trường hợp chưa có người mới, 4 ứng cử viên hiện nay cần trình bày kế hoạch hành động cụ thể, càng chi tiết càng tốt để giới bóng đá dễ hình dung hơn về người sẽ lãnh đạo họ trong 4 năm kế tiếp. Quan trọng hơn, các ứng viên cần trình bày được tầm nhìn của mình và cam kết thực hiện tầm nhìn đó trong bối cảnh mà bóng đá Việt Nam đang đứng trước cơ hội thay đổi vị thế của mình ở tầm vóc châu lục.
Nếu không được như thế, tốt hơn hết là tạm lùi thời gian tổ chức đại hội nhiệm kỳ 8 bởi nói cho cùng, bộ máy của nhiệm kỳ 7 vẫn đang làm tốt công việc của mình.