Năm 2009, dệt may, ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 9,1 tỷ USD), đã nhập khẩu hơn 7,3 tỷ USD nguyên phụ liệu. Điều đó có nghĩa, nếu muốn tăng xuất khẩu, phải tăng nhập khẩu.
Câu chuyện bất cập trong cơ cấu của ngành dệt may lại không phải là hình ảnh cá biệt mà đang rất phổ biến trong nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Việc không chú trọng, hay đầu tư quá ít vào phát triển công nghiệp phụ trợ khiến Việt Nam vẫn chỉ là nơi gia công, lắp ráp cho doanh nghiệp nước ngoài, sản phẩm không có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Đó chính là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự mất cân đối thương mại của Việt Nam. Và hàng năm, Chính phủ và các bộ ngành luôn phải loay hoay với một loạt biện pháp ngắn hạn để kiềm chế hàng nhập khẩu, giữ nhập siêu ở mức hợp lý.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn nhìn nhận Việt Nam là môi trường đầu tư hấp dẫn nhưng cũng chính là nơi mà những tiếng phàn nàn về sự phát triển công nghiệp hỗ trợ còn rất hạn chế khiến họ cảm thấy ngại ngần trong đầu tư.
Hàng loạt chính sách, đề xuất hợp tác đã được phía Nhật Bản đưa ra để Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng đến nay, phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn như câu chuyện dài tập, chưa có lời giải cuối. Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba từng mạnh mẽ khuyến cáo các cơ quan bộ ngành của Việt Nam có liên quan về ngành công nghiệp phụ trợ rằng, vận mệnh của ngành công nghiệp Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tương lai phát triển kinh tế của đất nước. Với việc nước ta tiếp tục phải thực hiện giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế, nếu không giải quyết được căn cơ bài toán phát triển công nghiệp phụ trợ, việc nhập khẩu nguyên liệu vẫn sẽ diễn ra dài dài và sa vào vòng luẩn quẩn “tăng xuất khẩu sẽ khiến nhập siêu lớn”.
Ngoài việc nhập siêu đến từ cơ cấu sản phẩm, nhập siêu của Việt Nam còn đến từ thị trường Trung Quốc. Trong khi Việt Nam luôn xuất siêu sang Hoa Kỳ, EU…, thì nhập siêu từ Trung Quốc ngày một tăng cao. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, nếu muốn hạn chế nhập siêu, nước ta cần có những biện pháp hiệu quả để giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Để kiềm chế nhập siêu, biện pháp đã được các bộ, ngành đề ra là kiểm soát và hạn chế cho vay nhập khẩu hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng ô tô và điện thoại di động; ưu tiên các mặt hàng trong nước thay thế và sử dụng hàng rào kỹ thuật… Các biện pháp thực thi này đã được đề cập từ nhiều năm qua mỗi khi nhắc đến giải pháp kiềm chế nhập siêu, song hiệu quả còn nhiều hạn chế, chưa đạt như mong muốn. Thống kê 4 tháng đầu năm cho thấy, trong khi nhóm cần thiết nhập khẩu chỉ tăng 32%, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu (gồm thủy sản, rau quả, các sản phẩm từ thép, đá quý...) lại tăng tới 59% và nhóm hàng hạn chế nhập khẩu (hàng tiêu dùng, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy nguyên chiếc) tăng tới 41%.
Bức tranh nhập khẩu hiện nay cho thấy, để kiềm chế nhập siêu ở mức độ hợp lý (khoảng 20% so với tổng kim ngạch nhập khẩu) là nhiệm vụ không dễ dàng khi mà cơ cấu, thị trường nhập khẩu và khả năng thực thi hiện còn tồn tại những bất cập. Hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ tiếp tục là câu chuyện dài khi mà những hạn chế nêu trên chưa được khắc phục một cách có hiệu quả.
QUANG MINH