Cần giải pháp mạnh đối với hành vi khai thác nước ngầm trái phép

Trong lúc ngành cấp nước TPHCM nỗ lực xoay sở đủ cách đầu tư về nhân lực, vật lực để tất cả người dân TPHCM được tiếp cận nguồn nước sạch thì hiện nay vẫn còn nhiều người dân thành phố mặc dù nguồn nước sạch cấp đến tận nhà, nhưng vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh.
Cần giải pháp mạnh đối với hành vi khai thác nước ngầm trái phép

Trong lúc ngành cấp nước TPHCM nỗ lực xoay sở đủ cách đầu tư về nhân lực, vật lực để tất cả người dân TPHCM được tiếp cận nguồn nước sạch thì hiện nay vẫn còn nhiều người dân thành phố mặc dù nguồn nước sạch cấp đến tận nhà, nhưng vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh.

7% đồng hồ nước không sử dụng

Chúng tôi xuống gặp bác Trần Ninh Thâu, ngụ trên đường Hồ Học Lãm thuộc tổ 39, khu phố 2, phường An Lạc, quận Bình Tân tại nhà riêng. Người đàn ông ngoài 80 tuổi gắn cả cuộc đời mình với vùng đất này, bức xúc dẫn chúng tôi đi từ nhà trên xuống nhà dưới chỉ cho chúng tôi xem những vết nứt xé toạc đất nền nhà, tường nhà. Ông cho biết, tình trạng nứt đất nghiêm trọng này là hệ quả của việc khai thác ngầm quá mức. Theo ông, không chỉ nhà ông mà nhiều nhà khác quanh khu vực này càng bị lún sụp nặng nề vì nạn khai thác nước ngầm. Không dừng lại đó, ông dắt chúng tôi đi trên con đường Hồ Học Lãm chỉ cụ thể từng cơ sở sản xuất với quy mô lớn đang khai thác nước ngầm vô tội vạ để sản xuất. “Nếu Nhà nước không có giải pháp mạnh tay thì chẳng bao lâu hậu quả sẽ nặng nề hơn”, ông Thâu nói và cho biết, khu vực nhà ông đã có nước máy về tới, áp lực nước rất mạnh.

Một cơ sở sản xuất khai thác nước ngầm trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân

Theo báo cáo của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, thực hiện Nghị quyết 28/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết 35/2015/NQ-HĐND của HĐND TP về nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2015, 2016, Tổng Công ty nỗ lực đầu tư phát triển hệ thống để đảm bảo cung cấp 100% nước sạch cho người dân thành phố (năm 2015 đã gắn mới 110.400 ĐHN, đến tháng 9/2016 đã gắn mới thêm 148.181 ĐHN; nâng tổng số khách hàng lên 1.246.046). Bước vào kế hoạch năm 2017, với việc tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%, Tổng Công ty dự kiến tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới đường ống cấp 1, cấp 2 và cấp 3 với khối lượng 1.126km, tổng mức đầu tư dự kiến gần 5.000 tỷ đồng bằng nhiều nguồn vốn.

Tuy nhiên, trong các khu vực đã được phủ mạng lưới cấp nước của Tổng Công ty vẫn còn một bộ phận người dân khai thác và duy trì sử dụng nguồn giếng khoan. Hiện nay, số lượng khách hàng đã có đồng hồ nước nhưng không sử dụng chiếm khoảng 7% tổng số khách hàng và 10% khách hàng có mức tiêu thụ rất ít (từ 1 - 4m3/tháng). Trong đó, số lượng hộ dân không sử dụng nước tại các quận vùng ven, nơi UBND TP đang quyết liệt chỉ đạo phát triển mạng lưới cấp nước gắn đồng hồ nước, cao hơn rất nhiều lần so với mức bình quân toàn thành phố. Đơn cử, tại huyện Hóc Môn khách hàng có đồng hồ nước nhưng không sử dụng nước chiếm 25%, tại quận 12 khách hàng không sử dụng nước chiếm 18%.

Ông Trần Minh Thâu chỉ những vết nứt xé toạc nền đất, tường nhà do đất sụp lún vì khai thác thước ngầm quá mức

Theo các đơn vị cấp nước trên địa bàn TP, chi phí đấu nối và duy trì đấu nối được cơ cấu trong giá nước nhưng do khách hàng không sử dụng nước (hóa đơn = 0) nên đơn vị cấp nước không thu hồi được khoản tiền này. “Trong tình hình vốn đầu tư còn hạn chế, việc đầu tư mạng lưới cấp nước còn gặp nhiều khó khăn, việc người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước giếng khi đã có đồng hồ nước gây lãng phí rất lớn vì lẽ ra khoản tiền để gắn đồng hồ nước cho những khách hàng này có thể dành cho những khách hàng khác có nhu cầu bức thiết hơn về nước sạch”, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty nêu ý kiến. Hơn nữa, theo lãnh đạo Tổng Công ty, mặc dù khách hàng không sử dụng nước, đơn vị cấp nước vẫn phải tốn chi phí thực hiện các nghiệp vụ như những khách hàng khác để duy trì việc cung cấp nước liên tục cũng là một sự lãng phí tiếp theo.

Giải pháp đồng bộ

Có thể nói nguồn nước ngầm tự khai thác có chi phí rẻ hơn so với nước sạch là một trong những lý do chính dẫn đến việc các hộ gia đình, các khu công nghiệp, khu chế xuất không sử dụng nguồn nước máy của đơn vị cấp nước. Chi phí khai thác nước ngầm là rẻ hơn nếu chỉ tính đơn lẻ chi phí khai thác cá thể. Tuy nhiên, hậu quả của việc khai thác nước ngầm quá mức và sử dụng nước ngầm không đảm bảo vệ sinh thì người dân chưa lường hết được.

Được biết, UBND TP đã có Quyết định số 69/2007/QĐ-UBND, ngày 3/05/2007 về ban hành quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM. Theo đó, các khu vực đã có mạng lưới cấp nước với áp lực tối thiểu 0,2kg/cm2, lưu lượng đáp ứng yêu cầu, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn sinh hoạt thuộc khu vực hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất (điều 3 và điều 4). Trên cơ sở đó, Tổng Công ty đã thường xuyên cập nhật các khu vực đã có mạng lưới cấp nước gửi về Sở Tài nguyên - Môi trường và có nhiều chương trình vận động người dân sử dụng nước hiệu quả, hạn chế khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, do chưa có biện pháp chế tài phù hợp nên tình trạng người dân yêu cầu gắn đồng hồ nước nhưng vẫn tiếp tục sử dụng nước ngầm, không sử dụng nước sạch kéo dài và có xu hướng tăng cao.

Trước thực tế này, Tổng Công ty kiến nghị giải pháp mạnh đối với hành vi khai thác nước ngầm. Cụ thể, kiến nghị TP chỉ đạo thực hiện nghiêm việc hạn chế, cấm khai thác nước ngầm ở những khu vực đã được đơn vị cấp nước cung cấp nước sạch và trách nhiệm của Sở Tài nguyên Môi trường trong việc sớm điều chỉnh Quyết định số 69/2007/QĐ-UBND, ngày 3/05/2007 của UBND TP về ban hành quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM; đồng thời chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm Y tế dự phòng có kế hoạch kiểm tra chất lượng nước ngầm và tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tác hại của việc khai thác và sử dụng nước ngầm.

Mặc khác, Tổng Công ty cũng kiến nghị TP chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty nghiên cứu quy định mức phí duy trì đấu nối hàng tháng (tương tự dịch vụ điện thoại). Điều đó đảm bảo hoàn vốn đầu tư ống ngánh, gắn đồng hồ nước cho đơn vị cấp nước và có chi phí để duy trì việc cung cấp nước liên tục, đồng thời đây cũng là yếu tố để khách hàng cân nhắc khi yêu cầu gắn đồng hồ nước trong khi chưa có nhu cầu thực sự.

Đồng thời, cho phép Tổng Công ty thỏa thuận giá nước sạch theo cơ chế linh hoạt với các khách hàng lớn mua sỉ nước sạch theo nguyên tắc giá nước giảm tương ứng với tốc độ giảm khai thác nước ngầm, tăng sử dụng nước sạch trong thời gian đầu chuyển đổi nguồn nước.

 TPHCM sẽ không thiếu nước sạch vào mùa khô

Trong mùa khô này, TPHCM sẽ không thiếu nước. Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho rằng sẽ đảm bảo cấp nước được ổn định, liên tục, không để xảy ra sự cố lớn, gây yếu, thiếu nước trên diện rộng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng nước. Cùng với đó, Sawaco sẽ tập trung giải quyết, không để thiếu nước nghiêm trọng tại các khu vực đã có mạng lưới cấp nước nhưng áp lực nước yếu (khu vực Nhà Bè, Bình Chánh); ưu tiên biện pháp dự phòng cho các cơ sở và địa bàn trọng yếu (hành chính, ngoại giao, y tế, sản xuất). Tiếp nhận thêm nguồn nước từ Nhà máy nước Thủ Đức 3 và Tân Hiệp 2 một cách an toàn đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất những tác động có thể làm ảnh hưởng đến công tác vận hành nhà máy nước và mạng lưới cấp nước trong quá trình tiếp nhận nguồn nước mới.

Sawaco tiếp tục hoàn thiện chế độ vận hành và phân vùng phục vụ các nhà máy nước trên cơ sở tiếp nhận nguồn nước Tân Hiệp 2 và Thủ Đức 3. Sawaco cũng sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch cấp nước an toàn, trong đó: chuẩn bị giải pháp sẵn sàng ứng phó với các sự cố nguồn và mạng, đặc biệt là sự cố trên các tuyến ống chuyển tải chính, chuẩn bị nguồn dự phòng từ các nguồn nước khác, kiểm soát chất lượng nước trên mạng, không để nước đục và sẵn sàng khắc phục nhanh sự cố khi xảy ra nước đục.


MAI ANH


ĐINH GIA ANH

Tin cùng chuyên mục