Một trong những nội dung được quan tâm trong kỳ họp thứ 2 HĐND TPHCM khóa 9 vừa diễn ra đầu tháng 8 là tình trạng xe dù, bến cóc xảy ra trên địa bàn. Giải pháp đang được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM khẩn trương xây dựng, hoàn thiện sẽ là giải pháp mang tính tổng thể.
Xe đón - trả khách tại đường số 2, quận 8, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Không mới nhưng vẫn “nóng”
Theo định nghĩa của ngành chức năng, khái niệm “xe khách trá hình” và “bến xe khách lậu” để đề cập đến loại hình xe vận chuyển khách tuyến cố định nhưng sử dụng phù hiệu hợp đồng hoặc biển hiệu xe du lịch và loại hình vận tải khách theo tuyến cố định nhưng hoạt động sai hành trình chạy xe vào khu vực trung tâm thành phố để đón - trả khách với đặc điểm là thu gom khách lẻ, tổ chức đưa đón khách tại những điểm cố định như trong nhà, trong khuôn viên văn phòng, trên lòng đường… Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Thanh tra giao thông Sở GTVT đã phát hiện và xử lý 1.712 vụ vi phạm, tập trung vào các hành vi như: vi phạm không chạy đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải theo quy định; vi phạm không có danh sách, hợp đồng vận chuyển theo quy định; đón - trả khách không đúng nơi quy định; dừng, đỗ không đúng quy định… Bên cạnh xử phạt hành chính, Sở GTVT cũng đã thu hồi 95 phù hiệu và đề nghị 55 sở GTVT phối hợp thu hồi 122 phù hiệu do địa phương quản lý.
Có một thực tế rằng nói đến vấn đề xe dù, bến cóc tức là nói đến một bộ phận lực lượng vận tải bằng ô tô. Đối với TPHCM, lực lượng này cũng có những nét đặc thù đáng chú ý. Trước hết, vì là trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước và là đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực nên TPHCM cũng là địa bàn tập trung một lực lượng lớn vận tải bằng ô tô. Điểm đặc thù nữa là lực lượng vận tải bằng ô tô của thành phố hiện nay mang tính xã hội hóa rất cao, các đơn vị vận tải có vốn Nhà nước chỉ chiếm một số nhỏ và cũng chủ yếu trong lĩnh vực xe buýt, taxi. Hình thức hoạt động phổ biến của lực lượng vận tải bằng ô tô là các hợp tác xã vận tải theo mô hình dịch vụ hỗ trợ. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận tải đường bộ bằng ô tô đã được ban hành đầy đủ, tuy nhiên có một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn tại thành phố và đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xảy ra xe khách trá hình và bến xe khách lậu. Sở GTVT TPHCM đã đề xuất báo cáo Bộ GTVT xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Chìa khóa ở giải pháp tổng thể
Cụ thể, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất một số nội dung và một trong số đó liên quan đến quy định giờ xe xuất bến tại các bến xe. Theo quy định, các đơn vị vận tải chỉ được đăng ký các giờ xe xuất bến do Sở GTVT niêm yết. Việc quy định giờ xe xuất bến như vậy không đáp ứng được mong muốn của các đơn vị vận tải và nhu cầu của hành khách nên hoạt động không hiệu quả vì thế đơn vị vận tải bỏ bến đưa xe ra ngoài hoạt động. Trong khi đó, Sở GTVT không thể đưa ra giờ xe xuất bến phù hợp với tình hình đi lại của hành khách trên tuyến do tác động của nhiều yếu tố như: tình trạng cầu đường trên tuyến xe hoạt động, theo mùa đi lại, tốc độ cho phép lưu thông, giờ xe đến bến, loại phương tiện… Khi một trong những yếu tố này thay đổi thì nhu cầu hành khách cũng thay đổi.
Một đề xuất khác liên quan đến quy hoạch chi tiết tuyến vận tải khách liên tỉnh. Theo quy định, Bộ GTVT quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách theo đề nghị của các sở GTVT. Các đơn vị vận tải căn cứ vào quy hoạch để đăng ký khai thác tuyến. Trong thực tế, nếu muốn khai thác tuyến vận tải chưa quy hoạch thì đơn vị vận tải phải chờ đến thời điểm quy hoạch hàng năm là 30-6 và 31-12 vì thế trong khi chờ đợi, đơn vị vận tải tìm cách phục vụ hành khách bằng cách vận dụng quy định vận chuyển khách theo hợp đồng để chạy tuyến cố định.
Sở GTVT cũng có một đề xuất liên quan đến giá cước vận tải khách tuyến cố định. Theo quy định, đơn vị vận tải phải kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước. Trong khi các yếu tố đầu vào của hoạt động vận tải do quy luật cung cầu chi phối nhưng yếu tố đầu ra là giá vé thường được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra chặt chẽ trước khi tiếp nhận kê khai giá nên giá vé thiếu linh hoạt và xe trong bến không cạnh tranh được với xe khách hoạt động ngoài bến.
Với quyết tâm nhanh chóng giải quyết vấn đề “nóng” này, Sở GTVT đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các giải pháp cho tình trạng xe dù, bến cóc trên địa bàn thành phố. Bất kể phương án nào được chọn, một điều chắc chắn đó sẽ phải là một giải pháp mang tính tổng thể. Một cách tổng quát, giải pháp tổng thể đó sẽ xoáy vào đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; tăng cường quản lý nhà nước; chú trọng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và tăng cường thanh tra chuyên ngành việc chấp hành điều kiện, tiêu chuẩn của doanh nghiệp.
Trong việc thông tin tuyên truyền, chiều hướng là sở sẽ rà soát, thống kê các doanh nghiệp vận tải, các tụ điểm có tổ chức bán vé, đón - trả khách và có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về vận tải hành khách đường bộ. Yêu cầu các doanh nghiệp đã có vi phạm, đã bị xử lý vi phạm trong thời gian qua chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng hoạt động biến tướng, núp bóng và làm cam kết không tái phạm. Chính quyền địa phương sẽ được thông báo để biết, giám sát, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền. Công bố rộng rãi, minh bạch thông tin vi phạm của các doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động vận tải qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, giám sát.
Trong công tác quản lý nhà nước, sở tiếp tục rà soát và công bố những vị trí, điểm được thực hiện đón trả khách trong vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh trên địa bàn thành phố; xem xét lắp đặt biển báo cấm dừng, cấm đỗ đối với phương tiện xe khách trên 9 chỗ ngồi tại các khu vực, tuyến đường có xe khách vi phạm quy định hoạt động vận tải nhằm làm chuyển biến hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh trên toàn địa bàn…
Một điểm nhấn và có lẽ cũng là nét mới liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, đó là Sở GTVT đã đề xuất UBND TPHCM thành lập Tổ liên ngành kiểm tra hoạt động đón - trả khách trên địa bàn thành phố. Tổ liên ngành này do Ban An toàn giao thông TP làm tổ trưởng, có sự tham gia của Sở GTVT, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận - huyện, Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch thành phố, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Ngoài quy định quản lý chuyên ngành về vận tải đường bộ, Tổ liên ngành sẽ xem xét tổng hợp các quy định khác về quy hoạch, quyền sử dụng đất, thương mại, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy…
THIỆN NHÂN