Chợ rau tự phát “liên quận”

Cần giải quyết dứt điểm!

Từ 5 năm nay, tại khu vực cầu Trường Đai (Q.Gò Vấp) và dưới chân cầu vượt ngã tư Tân Thới Hiệp (quốc lộ 1A, Q.12) tồn tại một điểm mua bán rau tự phát quy mô lớn với lượng tiểu thương lên đến gần 800 người. Chợ hoạt động rôm rả, tấp nập từ 0g đến 3g sáng hàng ngày…

  • Vừa bán... vừa chạy

Điểm đặc biệt của điểm mua bán tự phát này là hàng hóa được chuyển trực tiếp từ xe của người bán sang xe của người mua, vì cả hai đều luôn ở trong trạng thái sẵn sàng... chạy mỗi khi có công an, dân phòng đến kiểm tra. Vì thế, cái chợ này mới có tên là “chợ chạy”.

Có mặt tại ngã tư Tân Thới Hiệp và khu vực cầu Trường Đai vào lúc 0g40 ngày 18-3, dưới ánh đèn đường mập mờ, hàng trăm chiếc xe gắn máy, ba gác, xe kéo, xe đạp chở đầy các loại rau đứng dọc hai bên thành cầu tạo nên cảnh tượng mua bán rất sôi động.

Nếu tại các chợ khác, mỗi quầy hàng là một ô vựa riêng biệt, thì tại đây hàng hóa đều được thồ chất ngất phía sau yên xe. Xe đạp thì thồ vài chục ký còn xe máy lên đến hàng trăm ký. Do trong quá trình mua bán trao đổi hàng hóa, cả người bán và người mua đều sử dụng phương tiện là các loại xe 2 bánh, 3 bánh nên thường xuyên xảy ra cảnh tranh bán, tranh mua rất hỗn loạn và mất trật tự. Mỗi khi có khách hàng ghé vào, lập tức những người bán rồ xe chạy tới mời mọc.

Và tình trạng hạ giá để giành khách cũng là “chuyện thường đêm”, một “ôm” rau muống to đùng giá chỉ 2.000đ, một bó cần tây lớn giá 1.000đ được nhiều người mua về phân nhỏ đem bán lại lời gấp 5-7 lần. Chính vì thế mà càng về khuya, khách hàng đi chợ này càng đông, số sự cố va quẹt xe hay đánh nhau giành khách cũng tăng theo.

  • Chính quyền cũng “bó tay”!

Trao đổi với chúng tôi về chợ rau tự phát này, anh Trần Đoàn Trung, Phó phòng Kinh tế Q.12 xác nhận: “Với sản lượng rau xanh hàng trăm tấn/đêm, nơi đây phần nào giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nhập cư! Tuy nhiên, những tác hại nghiêm trọng mà khu chợ tự phát này gây ra không nhỏ, nhất là vấn đề an ninh trật tự”.

Chưa kể nhiều đợt chính quyền địa phương kiểm tra còn bị họ chống đối một cách quyết liệt và chạy náo loạn, gây ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ngoài ra, lượng rác thải từ rau củ mà các tiểu thương tại đây trực tiếp quăng thẳng xuống cầu, sau mỗi buổi chợ tan cũng là “thảm họa” của người dân sinh sống trong vùng.

Tuy nhiên, chúng tôi được biết nỗi lo lớn nhất hiện nay của Sở Thương mại, Sở Y tế, chính quyền địa phương vẫn là chất lượng rau mà các tiểu thương tại đây cung cấp cho thị trường mỗi ngày. Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng tại Q.12, số rau muống nước bị ô nhiễm đã lên đến 35ha và 100% sản phẩm bán ra tại chợ “chạy” trên đều chưa qua kiểm dịch. Lượng vi sinh, tạp chất, dư lượng thuốc trừ sâu tồn tại trên sản phẩm ở đây còn khá cao (điều này đã được xác định sau nhiều lần Phòng y tế quận xuống tịch thu và kiểm tra các mẫu rau).

5 năm qua, mặc dù các cơ quan ban ngành đã nhiều lần phối hợp triển khai nhiều đợt ra quân như tuần tra, chốt chặn… nhưng cũng hoàn toàn “bó tay” vì chỉ dẹp yên được vài ngày thì đâu lại vào đấy.

Theo chúng tôi, để giải quyết dứt điểm sự tồn tại bất hợp pháp của khu chợ tự phát này, ngoài các biện pháp mạnh như tịch thu, xử phạt hành chính… UBND Q.12, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn cần tính toán sắp xếp để họ có nơi buôn bán ổn định, lâu dài và qua đó, cơ quan chức năng có thể quản lý được chất lượng thực phẩm bán ra tại đây. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các phòng nông nghiệp rà soát lại số hộ sản xuất rau trên địa bàn, tập huấn cho họ cách sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, giúp những người dân nhập cư này nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất, cung ứng rau xanh cho thị trường thành phố.

Lê Mai Thi

Tin cùng chuyên mục