Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Gas VN, nhà nước cần có những ưu đãi cụ thể trong vay vốn, mua sắm thiết bị, công nghệ để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống kho cảng quy mô lớn, hiện đại. Hiệp hội Gas VN cũng sẽ căn cứ theo các chính sách đó để vận động các doanh nghiệp liên doanh, hợp tác đầu tư các kho chứa lớn. Có như thế thị trường gas mới có thể ổn định được trong thời gian dài, tránh biến động liên tục như hiện nay.
Khí dầu mỏ hóa lỏng (gọi tắt LPG- gas) đã trở thành mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày và đang được sử dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới. LPG được xem như nguyên liệu cho công nghiệp hóa dầu hay loại nhiên liệu sạch trong dân dụng, công nghiệp, giao thông vận tải.
Ở Việt Nam, số liệu từ Hiệp hội Gas cho thấy, nhu cầu tiêu thụ LPG tăng nhanh chóng: năm 1991 nhu cầu LPG cả nước 50.000 tấn, năm 2000: 400.000 tấn và năm 2010: 1,2 triệu tấn. Dự báo năm 2015 nhu cầu sử dụng LPG cả nước khoảng 1,5 triệu tấn và năm 2020 đạt 2 triệu tấn.
Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu gas, những năm gần đây thị trường gas trong nước cũng thường xuyên biến động với mức giá bán lẻ liên tục thay đổi với chiều giá ngày càng tăng. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến giá gas liên tục biến động. Trong đó nguyên nhân chính do thị trường gas trong nước vẫn phụ thuộc vào thị trường gas thế giới.
Hiện nay, sản lượng gas trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thị trường (nguồn sản xuất từ Nhà máy Khí Dinh Cố và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất), 60% còn lại phải nhập khẩu. Do đó, giá gas trong nước luôn thay đổi, biến động theo giá thế giới. Một nguyên nhân khác, khả năng dự trữ gas của các doanh nghiệp Việt Nam còn kém. Hệ thống kho chứa LPG ở Việt Nam hiện nay rất hạn chế.
TS Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, toàn quốc hiện có 31 kho LPG, nhưng sức chứa chỉ đạt từ 500 – 4.000 tấn/kho (chỉ có 4 kho sức chứa trên 3.000 tấn). Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh LPG ở Việt Nam không chủ động được nguồn hàng, khi gas rẻ không trữ được nhiều và cũng không có khả năng nhập khẩu trực tiếp với khối lượng LPG lớn từ các nguồn như Trung Đông, Australia…, hiện chỉ có thể mua lại LPG của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore... Đây là điểm yếu lớn nhất của thị trường LPG ở Việt Nam.
Vì vậy, việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các kho chứa quy mô lớn rất cần được nhà nước và các bộ ngành quan tâm đúng mức. Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Thắng, nhà nước cần có những ưu đãi cụ thể trong vay vốn, mua sắm thiết bị, công nghệ để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống kho cảng quy mô lớn, hiện đại. Hiệp hội Gas VN cũng sẽ căn cứ theo các chính sách đó để vận động các doanh nghiệp liên doanh, hợp tác đầu tư các kho chứa lớn. Có như thế thị trường gas mới có thể ổn định được trong thời gian dài, tránh biến động liên tục như hiện nay.
|
S.Nâu